Ngày nay, du lịch không chỉ là sự hòa mình vào cảnh đẹp thiên nhiên, mà còn là hành trình tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa độc đáo. Trong danh sách những địa điểm ấn tượng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng không chỉ là một nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là hành trình tìm hiểu văn hóa và lịch sử ở vùng đất Nam Tây Nguyên. Hội tụ nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, các giá trị văn hóa đặc sắc, huyện Đức Trọng cần “đánh thức” du lịch để ngành “công nghiệp không khói” này trở thành một thế mạnh của địa phương.
Du khách tham quan một điểm du lịch tại Đức Trọng
Đức Trọng, một huyện nằm ở cửa ngõ vào TP. Đà Lạt, nơi đây không chỉ đẹp với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là một điểm đến hấp dẫn với lịch sử và văn hóa đặc sắc. Với những nỗ lực đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cũng như bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, Đức Trọng đang mở ra một tiềm năng du lịch rất lớn, hứa hẹn mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Huyện Đức Trọng không chỉ là điểm dừng chân trước khi khám phá Đà Lạt mà còn là một nơi thu hút du khách bởi vị trí chiến lược. Với Quốc lộ 20 và 27 được nâng cấp, sắp đến là cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được hình thành, huyện này trở thành đầu mối giao thông quan trọng, nối liền các địa phương lân cận như TP Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột và Phan Rang. Bên cạnh đó, Cảng hàng không Liên Khương nằm trên địa bàn huyện cũng là một thuận lợi rất lớn để địa phương này thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đức Trọng. Điều này đã tạo ra những thuận lợi cho sự phát triển du lịch và giao lưu văn hóa giữa huyện Đức Trọng và các khu vực khác.
Đức Trọng nơi sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Ngoài thác Pongour, Bảo Đại và Gougah, được công nhận là thắng cảnh quốc gia, còn có hồ Đại Ninh, thác Liên Khương..., là những bức tranh hùng vĩ của thiên nhiên, có sức hút lớn đối với du khách. Ngoài ra, những năm gần đây, du lịch tâm linh tại làng chùa Đại Ninh cũng được nhiều du khách lựa chọn tham quan, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, cung đường Tà Năng - Phan Dũng, đồi cỏ hồng Masara, các câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng của bà con dân tộc bản địa tại các xã: Hiệp An, Tà Hine, Tà Năng, Đa Quyn; du lịch canh nông với nhiều vườn rau, hoa công nghệ cao, nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP ba, bốn sao… là tiềm năng lớn để phát triển du lịch ở địa bàn này.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch địa phương chưa được phát huy triệt để. Hệ thống thác nằm trong di sản quốc gia chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Ngoài những thác nước, Khu căn cứ kháng chiến Núi Voi là nơi thu hút du khách và là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng. Nằm dưới chân Núi Voi, còn có làng Gà Đarahoa không chỉ giữ lại nét đẹp truyền thống mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng. Có dịp đến với làng gà Đarahoa ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, chúng tôi chứng kiến những du khách quốc tế rất háo hức với ngôi làng này. Câu chuyện về sự tích làng Gà, nghề dệt thổ cẩm, cách làm du lịch cộng đồng đã gây sự tò mò cho du khách. Tuy nhiên, theo đánh giá thì điểm du lịch này vẫn chưa thật sự là nơi dừng chân lâu dài của khách du lịch và cần có những hoạch định chiến lược dài hơi, cách làm du lịch chuyên nghiệp hơn. Anh Nguyễn Thành Công, hướng dẫn viên du lịch quốc tế cho rằng: Điểm du lịch làng Gà Đarahoa cần phải giữ nét truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm, đan gùi. Cần phải liên kết các điểm du lịch lại để tạo tuyến điểm cho quy mô, đồng bộ thì mới thu hút được nhiều hơn nữa du khách đến tham quan đặc biệt là khách quốc tế.
Để du lịch huyện Đức Trọng ngày càng phát triển, trở thành điểm đến không thể thiếu trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế, trong những năm qua, UBND huyện chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan để ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đầu tư, quản lý và phát huy giá trị di tích, các khu, điểm du lịch. “Với vai trò là cơ quan tham mưu, Phòng Văn hóa - Thông tin sẽ tiếp tục rà soát các khu, điểm, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, xác định những thế mạnh để bảo tồn và tiếp tục phát huy; đồng thời, đề xuất với các cấp, các ngành, địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch; tôn tạo kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch trên các kênh thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội; phối hợp với những đơn vị kinh doanh lữ hành để kết nối tour tuyến, tạo ra nhiều điểm tham quan trải nghiệm cho người dân...", bà Nguyễn Thị Xuân Uyên - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Trọng nhấn mạnh.
Với sự kết hợp tinh tế giữa vẻ đẹp thiên nhiên và giá trị văn hóa, huyện Đức Trọng đang chờ đón những hành trình du lịch mới, nơi du khách không chỉ tận hưởng nét đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn trải nghiệm sâu sắc văn hóa và lịch sử độc đáo. Tiềm năng và thế mạnh đã có, ngành chức năng cũng đã và đang vào cuộc một cách quyết liệt, mong rằng sắp tới, du lịch Đức Trọng sẽ có dịp vươn xa và để lại ấn tượng đẹp hơn nữa trong lòng du khách trong và ngoài nước. Đến Đức Trọng, đây không chỉ là chuyến đi, mà còn là hành trình trải nghiệm văn hóa và tận hưởng những khoảnh khắc đáng nhớ.
Thành Nam