Việc khai thác tiềm năng du lịch tâm linh, về nguồn gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch bền vững là một trong những hướng đi hiệu quả, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Non nước Cao Bằng.
Cao Bằng là vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Nơi đây được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “phên dậu” vững chắc của Tổ quốc. Cùng với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ, kỳ vĩ, Cao Bằng còn có hệ thống di tích lịch sử, kho tàng văn hóa phi vật thể, các cơ sở thờ tự… Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh khai thác du lịch tâm linh, về nguồn.
Toàn tỉnh hiện có hơn 200 di tích, trong đó 102 di tích đã được xếp hạng (gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh), 2 bảo vật quốc gia. Tỉnh đang lưu giữ trên 2.000 di sản văn hóa phi vật thể (gồm 200 di sản lễ hội truyền thống, 112 di sản nghề thủ công truyền thống, 487 tri thức dân gian, 300 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian; có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…). Đặc biệt, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có di sản nghi lễ Then Tày Cao Bằng) được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (Quảng Hòa)
Là quê hương cội nguồn cách mạng, Cao Bằng có nhiều “địa chỉ đỏ” đã đi vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) - gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng giai đoạn 1941 - 1945; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình) - nơi ghi dấu việc thành lập và lập chiến công đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận quan sát và chỉ huy chiến dịch… Bên cạnh đó, các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu khác như: đền Kỳ Sầm, chùa Đống Lân, chùa Phố Cũ (Thành phố), đền Vua Lê, đền Dẻ Đoóng (Hòa An), đền Hoàng Lục (Trùng Khánh), chùa Sùng Phúc (Hạ Lang), chùa Vân An (Bảo Lạc)… cũng là những điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách.
Các lễ hội tại Cao Bằng rất phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài lễ hội đền, chùa mỗi dịp đầu xuân năm mới, còn có lễ hội dân gian truyền thống như: Lễ hội lồng tồng của người Tày, Nùng; Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa) và thị trấn Đông Khê (Thạch An); Lễ hội Nàng Hai của người Tày xã Tiên Thành (Quảng Hòa) và xã Kim Đồng (Thạch An); Lễ hội Thanh Minh của người Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Hòa)… Những lễ hội văn hóa cổ truyền thể hiện niềm tin về tín ngưỡng, tôn giáo, sự tri ân với thế hệ đi trước; góp phần động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân thực hiện nghĩa cử cao đẹp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh chính là nguồn tài nguyên quý tạo nên sức hút của du lịch về nguồn, du lịch tâm linh Cao Bằng. Tỉnh quan tâm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các điểm di tích song vẫn đảm bảo giữ gìn những giá trị về cảnh quan, kiến trúc, lịch sử; chú trọng nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, công nhận di tích, di sản; khôi phục và nâng tầm các lễ hội truyền thống; đưa một số điểm du lịch tâm linh, về nguồn vào các tour, tuyến trải nghiệm, khám phá Non nước Cao Bằng; tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch; xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội…
Du lịch tâm linh, về nguồn không chỉ là sản phẩm du lịch đơn thuần mà còn mang “giá trị kép”, vừa thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, giá trị di sản. Để loại hình du lịch này phát triển đúng hướng, thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người làm du lịch.
Phương Anh