Kể từ khi chính thức đón khách tham quan đến nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã đón hàng nghìn lượt khách nội địa và quốc tế ghé thăm, nổi bật như năm 2023, bảo tàng đã đón 45.000 lượt khách. Thời gian qua, bảo tàng cũng đã "ghi" những dấu ấn nhất định trong lòng du khách, minh chứng là các hình ảnh “check-in”, video clip giới thiệu điểm đến... trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để thực sự là một “điểm du lịch” đúng nghĩa, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình vẫn cần những điều kiện cần và đủ.
Cần những đổi mới
Như thường lệ sáng thứ 5 hàng tuần, hướng dẫn viên Trương Quang Hùng lại đưa các vị khách nước ngoài của mình đến thăm Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đoàn thường từ 10 - 30 người, có thời điểm có thể đông hơn 50 người. Anh chia sẻ, bảo tàng là một trong những điểm ghé thăm của các city tour thuộc Công ty TNHH Du lịch Thám hiểm Phong Nha Explorer, các điểm khác là bờ sông Nhật Lệ, tượng đài Mẹ Suốt, Quảng Bình quan, chợ Đồng Hới... Do thời gian tham quan hạn hẹp nên đoàn chỉ dành khoảng 30 - 40 phút tại bảo tàng và hầu như không sử dụng hướng dẫn viên tiếng Anh của bảo tàng. Tín hiệu vui là đều đặn mấy năm qua kể từ khi du lịch hồi sinh sau Covid-19, các đoàn khách quốc tế đều lựa chọn Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là điểm đến khi dừng chân ở TP. Đồng Hới.
Anh Tralvis Mayne, du khách đến từ Canada chia sẻ, tham gia city tour bằng xe đạp quanh TP. Đồng Hới, anh cảm thấy rất yêu thích sự thanh bình của phong cảnh và sự thân thiện của người dân nơi đây. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là một điểm đến để lại nhiều ấn tượng trong anh với những gian trưng bày độc đáo, tạo điểm nhấn, thu hút du khách. Điều đáng tiếc là cần có phần phiên dịch tiếng Anh nhiều hơn nữa để giúp du khách hiểu rõ hơn về thông tin trưng bày. Thêm vào đó, rất cần thêm những video clip phụ đề tiếng Anh để giới thiệu cho khách du lịch về những nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số ở Quảng Bình hay các nội dung thú vị, hấp dẫn khác.
Với khách du lịch quốc tế, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình là một địa chỉ yêu thích để khám phá mảnh đất, con người Quảng Bình trong suốt quá trình lịch sử
Theo chia sẻ của anh Trương Quang Hùng, hầu hết du khách ghé TP. Đồng Hới chỉ thường trong một ngày, sau đó buổi chiều lại lên thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) nên các điểm dừng chân trong city tour đều được rút ngắn tối đa. Thêm nữa, đa số du khách cũng không có nhu cầu sử dụng thuyết minh viên tiếng Anh mà tự tìm hiểu nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình trải nghiệm tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Nên chăng cần có nhiều video clip giới thiệu có phụ đề tiếng Anh hoặc các biển thông tin song ngữ về nội dung cụ thể, chi tiết hơn, tạo thuận lợi cho du khách nước ngoài khi ghé thăm?
Một thực tế đáng mừng là thời gian qua, “thương hiệu” Bảo tàng Tổng hợp tỉnh trong công chúng đã được nâng cao độ nhận diện, nhất là với khách du lịch và giới trẻ. Tuy nhiên, để thực sự là một “điểm du lịch” đúng nghĩa, vẫn còn đó những khó khăn. Theo bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, kinh phí hàng năm cấp cho hoạt động bảo tồn, bảo tàng chưa bảo đảm với nhu cầu thực tế nhiệm vụ được giao của đơn vị, do vậy ảnh hưởng đến một số nhiệm vụ, trong đó có việc tập huấn nghiệp vụ và hoạt động chuyên môn khác để nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ nhân lực… Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động chuyên môn cũng như hệ thống tủ kệ phục vụ cho bảo quản và lưu trữ hiện vật, tư liệu, hệ thống camera bảo vệ vẫn chưa bảo đảm.
Riêng đối với du khách ghé thăm bảo tàng, vẫn chưa có địa điểm nghỉ ngơi phù hợp, nhiều khi khách tham quan phải ngồi nghỉ ngơi ngay trước sảnh hoặc các bậc thang phía trong bảo tàng. Khách cũng chưa có được các dịch vụ tối ưu, như về nước uống, quà lưu niệm... Thời gian qua, bảo tàng cũng đã đề xuất để được công nhận là điểm du lịch nhưng do nhiều lý do khách quan nên vẫn còn đang là “dự định”. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa bảo tàng với các doanh nghiệp du lịch vẫn còn ở dạng manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực sự có sự kết nối mang tính hệ thống và bền vững với những kế hoạch dài hơi.
Chú trọng truyền thông
Một thực tế cho thấy công tác tuyên truyền, quảng bá đóng vai trò quan trọng trong việc đưa du khách đến với bảo tàng. Minh chứng rõ nét nhất chính là sức hút của trang fanpage “Di tích Nhà tù Hỏa Lò-Hoa Lo prison relic” với gần 300.000 lượt “like” và hơn 300.000 lượt người theo dõi, trở thành một điểm sáng nổi bật của truyền thông di tích ở Việt Nam trong thời gian qua. Đội ngũ sáng tạo nội dung của trang fanpage đã kể lại những câu chuyện, sự kiện hay nhân vật lịch sử bằng hình thức mới mẻ, hiện đại, vừa mang tính thời sự, vừa bắt kịp các xu hướng trên mạng xã hội, rất được giới trẻ yêu thích.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đặng Đông Hà cho biết, sắp tới đây, bên cạnh Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, một số điểm trên địa bàn tỉnh sẽ được UBND tỉnh công nhận là “Điểm du lịch”, tạo nhiều điều kiện hơn cho việc phát triển du lịch, mở ra những cơ hội để bảo tàng nói riêng, các điểm du lịch nói chung phát huy lợi thế, tận dụng thời cơ để “hút” du khách thông qua các giải pháp sáng tạo, hiệu quả. UBND tỉnh cũng vừa ban hành Quyết định số 45/2023/QĐ-UBND về quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh, trong đó có mô hình do cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp thành lập.
|
Nhờ đó, các thông tin lịch sử không hề khô khan, khó chuyển tải. Nội dung truyền thông được chia làm bài đăng chuyên sâu và bài đăng tương tác, thích ứng với từng nhóm độc giả khác nhau. Nhiều ứng dụng số cũng được sử dụng, như: Tham quan trực tuyến, tham quan di tích trên hai nền tảng Spotify và Apple Podcasts. Một trong những sản phẩm du lịch thành công và có sức lan tỏa chính là “tour đêm” trải nghiệm di tích Hỏa Lò, sản phẩm độc đáo, riêng có của di tích và rất “hút” khách tham quan, nhất là những bạn trẻ.
Truyền thông về di tích là một khái niệm khá mới mẻ ở Quảng Bình và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng đang nỗ lực để triển khai trong thời gian gần đây, như: Mở trang fanpage hay chuẩn bị đưa vào hoạt động website của bảo tàng. Tuy nhiên, cái khó ở đây là cần mạnh dạn có những đổi mới về cả nội dung và cách thức truyền thông cùng với những tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm.
Chia sẻ về thách thức này, theo bà Lê Thị Hoài Hương, đơn vị không phải là bảo tàng chuyên đề nên gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình triển khai các hoạt động trải nghiệm phù hợp. Thêm vào đó, việc thiếu những không gian chuyên nghiệp, thích ứng hơn để nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách cũng là trở ngại trong quá trình triển khai các ý tưởng. Thời gian tới, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh dự định sẽ có sự kết nối chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp du lịch, trong đó, việc gặp gỡ, chia sẻ sẽ đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh nâng cao chất lượng công tác trưng bày, một số trải nghiệm mới sẽ được triển khai ở bảo tàng như: Trình diễn hát Kiều, hát ru...
Mai Nhân