Góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần người dân, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các thiết chế văn hóa từng bước được cải thiện, ngày càng thu hút người dân đến vui chơi, giải trí.
Mới đây, Nhà Trưng bày tác phẩm nghệ thuật quận Sơn Trà đi vào hoạt động nhanh chóng trở thành điểm đến mới yêu thích của người dân và du khách, tương tự, Bảo tàng Đà Nẵng mới với vị trí thuận lợi, kiến trúc độc đáo đã thu hút đông đảo mọi người đến tham quan, chụp hình. Đây là 2 trong nhiều điểm nhấn xứng tầm mà thành phố Đà Nẵng “dài hơi” đầu tư xây dựng.
Công trình có diện tích 749m2, quy mô gồm 2 tầng. Tầng 1 bố trí sảnh đón, không gian trưng bày, kho, phòng làm việc của BQL. Tầng 2 bố trí không gian trưng bày và kho. Tầng mái bố trí không gian công cộng ngoài trời và đường dạo trên mái. Tổng kinh phí đầu tư công trình gần 20 tỷ đồng.
Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật quận Sơn Trà
Theo thiết kế, Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật quận Sơn Trà lấy cảm hứng từ cánh chim hải âu là hình ảnh gắn liền với biển. Điểm nhấn là kiến trúc uốn lượn uyển chuyển, tạo nên nét mềm mại cho tổng thể công trình. Phần mái được bao phủ bằng một thảm xanh thực vật với nhiều loại cây xanh kết hợp với một đường dạo bộ trên không, tạo không gian như một công viên trên vườn mái...
"Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật quận Sơn Trà được xây dựng nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trưng bày, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của quận, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân địa phương", ông Huỳnh Văn Hùng - Phó Chủ tịch quận Sơn Trà thông tin.
Về thiết chế công cộng, hiện Đà Nẵng đang có các công viên cấp thành phố gồm Công viên 29/3, công viên Thanh Niên, công viên Biển Đông… Trong đó, cuối tháng 7, công viên 29/3 được HĐND thành phố thống nhất đầu tư nâng cấp, cải tạo với kinh phí hơn 673 tỉ đồng.
Với mục đích mang lại diện mạo mới cho thành phố, Đà Nẵng đã thông báo thi tuyển phương án quy hoạch kiến trúc quảng trường, bảo tàng dọc trục Trung tâm Hành chính thành phố, đường Bạch Đằng, Trần Phú và một số trụ sở hành chính liên quan.
Trong đó, quảng trường trung tâm có phạm vi quy hoạch hơn 16ha với tổng kinh phí dự kiến trên 1.000 tỉ đồng. Đây là quảng trường với tính chất là không gian lịch sử, văn hóa, nơi ghi nhận dấu ấn của người Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước đi đầu trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm; đồng thời kỳ vọng là địa chỉ giáo dục lịch sử, văn hóa thu hút thế hệ trẻ.
Theo ông Ngô Tự Gia Thạnh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu, nhằm đẩy mạnh hợp tác giải lưu văn hóa, du lịch, tháng 01 năm 2024, UBND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) đã khánh thành tượng Biểu trưng (logo) của quận Hải Châu và của thành phố Uiwang (Hàn Quốc). Biểu trưng hai địa phương được đặt tại công viên Nam Dương - một công viên mới được đầu tư xây dựng, ngay tại khu vực trung tâm thành phố.
Không gian văn hóa mới này là điểm nhấn ấn tượng tại quận Hải Châu, đồng thời có ý nghĩa đẩy mạnh mối quan hệ giao lưu giữa Đà Nẵng và các nước bạn trên lĩnh vực văn hóa, tạo địa điểm du lịch mới dành cho người dân, du khách.
Thời gian qua, thiết chế văn hóa thể thao tại các địa phương tại Đà Nẵng được tập trung đầu tư xây mới, nhiều lớp học năng khiếu, hoạt động CLB ở địa phương, được đầu tư đã góp phần lớn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí của nhân dân địa phương và nhu cầu tập luyện, thi đấu của các đơn vị trên địa bàn.
Tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố đến năm 2025” tại các quận huyện, năm 2023, quận Hải Châu xây dựng mới và cải tạo 7 công trình với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng; quận Cẩm Lệ đầu tư Trung tâm Văn hóa-Thể thao phường Hòa Xuân (giai đoạn 2) với số tiền gần 1,2 tỷ đồng, mở rộng nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư số 13 phường Hòa Thọ Đông với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở VHTT TP Đà Nẵng Hà Vỹ cho biết, trong thời gian tới, mục tiêu đề ra của ngành văn hóa là tập trung nguồn lực để đầu tư Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố. Đầu tư và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Nhà Văn hóa thiếu nhi.
Đồng thời cải tạo, nâng cấp Nhà Văn hóa Lao động, đầu tư đẩy mạnh các dự án về di tích di sản, như trùng tu, tôn tạo di tích thành Điện Hải (giai đoạn 2), cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng, mở rộng Nghĩa trủng Phước Ninh… Đặc biệt, tìm kiếm địa điểm để xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án như: Nhà hát lớn thành phố, Bảo tàng tranh “trận chiến 1858 - 1860”, Trường quay Đà Nẵng.
Ngọc Hà