logo
title

Hà Nam: Lý Nhân phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch

Cập nhật ngày: 13/03/2024
“Nam Xang tứ cố đại hà” - Nam Xang là tên cũ của huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), nơi đây bốn mặt đều có sông lớn bao quanh (sông Hồng, sông Châu, sông Long Xuyên). Chính địa hình đó đã giúp cho vùng đất này lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú, độc đáo và riêng có. Để bảo tồn và phát huy lợi thế đó trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch, Lý Nhân rất cần phải có những định hướng, kế hoạch và mục tiêu phù hợp.
Trong số các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, Lý Nhân là huyện có số lượng di tích lịch sử văn hóa nhiều và đặc sắc nhất. Theo số liệu từ Bảo tàng tỉnh, tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn huyện Lý Nhân có 368 di tích, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh. Trong số các di tích có quy mô lớn, đồ sộ và kiến trúc độc đáo, tinh xảo có đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo); đình Văn Xá (Đức Lý); đình, chùa Cao Đà (Nhân Mỹ); đình Thọ Chương (Đạo Lý); đình Chương Lương (Bắc Lý); cụm đình, đền, chùa Nội Rối (Bắc Lý), đình Đức Bản Ngoại (Nhân Nghĩa); đền Bà Vũ (Chân Lý)… Đây đều là nơi thờ phụng thần linh và hiền tài có liên quan đến vùng đất Lý Nhân. 
 
Độc đáo nhất là tục thờ vị thần múa rối Văn Chất Thập bát quốc Ổi Lỗi tôn thần ở đình Chương Lương, xã Bắc Lý. Trong đình hiện có 18 đầu rối bằng gỗ to như người thật, tất cả đều được đặt trong khám thờ, khám này chỉ vào dịp lễ hội hay có lý do đặc biệt mới được mở. Khác với múa rối đầu tượng (rối cạn) ở Chương Lương, ở thôn Nội Rối cùng xã Bắc Lý, xưa kia cũng có trò múa rối nước vô cùng nổi tiếng. Thôn có một quần thể di tích đình, đền, chùa tọa lạc chung một khuôn viên. Trước đền có một cái ao khá rộng, giữa ao là một gò đất, trên đó có một công trình kiến trúc, nhân dân gọi đó là thủy đình. Đây chính là nơi biểu diễn của phường rối nước Nội Rối vào lễ hội làng hằng năm và các lễ hội khác trong vùng. Người xưa còn đúc kết Nam Xang tứ quái vì nơi đây còn thờ các vị thần không nơi nào có như đền thờ nàng Mỵ Ê (Phú Phúc), thờ bà chúa Vũ (Chân Lý), thờ ông thần bắt giải (Đức Lý). Gắn với mỗi nhân vật thờ đều là những câu chuyện có thật lại nhuốm màu huyền bí mang tính thiêng cho nhân vật thờ.
 
 
Phát lương Đức Thánh Trần tại Lễ hội Đền Trần Thương (Lý Nhân). Ảnh: Lê Dũng
 
Ngoài các di tích, Lý Nhân cũng sở hữu những di vật nổi tiếng như Trống đồng Ngọc Lũ, bảo vật quốc gia. Trống do người dân xã Ngọc Lũ đào được nhưng lại trên đất Lý Nhân khi đào kênh Như Trác. Cho đến nay, trong số hàng trăm chiếc trống đồng Đông Sơn đã phát hiện, các nhà khảo cổ học và mỹ thuật học đều khẳng định, không có chiếc trống nào đạt được sự tuyệt mỹ về nghệ thuật, đỉnh cao về kỹ thuật đúc đồng như Trống đồng Ngọc Lũ. Cùng với Trống đồng Ngọc Lũ là cuốn sách đồng cổ “Cầu Không từ kí” (bài ký đền Cầu Không) viết về sự kiện vua Lê Thánh Tông cầm quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Hay chiếc kiệu 32 người khiêng tại đình Thọ Chương với quy mô và bố cục đồ sộ, được chạm khắc công phu, tinh xảo. Khay rồng thờ tại đình Văn Xá, khay có hình bát giác, kỹ thuật chạm khắc đạt trình độ cao của các nghệ nhân xưa với linh vật là 40 con rồng với các hoạt cảnh khác nhau.
 
Gắn với các di tích trên đều là những lễ hội đặc sắc và riêng có. Theo thống kê của huyện Lý Nhân, trên địa bàn huyện có 54 lễ hội truyền thống thường xuyên được tổ chức, trong đó tiêu biểu là: Lễ phát lương đền Trần Thương, lễ hội chạy ngựa làng Yên Trạch (Bắc Lý), lễ hội thả diều xã Hòa Hậu, lễ hội đền Bà Vũ, hội võ vật Phúc Châu (Hợp Lý)… Và các di sản văn hóa phi vật thể khác như chiếu chèo làng Ngò (Đức Lý); múa hát Lải Lèn (Bắc Lý); múa hèo, múa song đăng (Đức Lý). Cùng đó là các làng nghề truyền thống: bánh đa Chều, rượu Hợp Lý, chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, dệt Hòa Hậu, mộc Cao Đà...
 
Với kho tàng di sản vật thể, phi vật thể phong phú như trên, Lý Nhân có tiềm năng rất lớn để tạo ra nhiều loại hình du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lý Nhân lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình du lịch, dịch vụ, thương mại. Đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch, đề án phát triển du lịch”; “Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống”. Về du lịch, hiện tại, đến với Lý Nhân nhiều người mới chỉ biết đến Lễ phát lương đền Trần Thương, cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng và nhà Bá Kiến nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Tuy nhiên, lượng khách đến với các điểm du lịch này không đông và thường xuyên.
 
Với di sản văn hóa đồ sộ để phát triển du lịch, ngay từ lúc này, huyện Lý Nhân cần quan tâm đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép lại các dạng thức văn hóa phi vật thể; tổng kiểm kê, phân loại để xác định giá trị của di sản; lập hồ sơ bảo tồn, nghiên cứu phục dựng các lễ hội truyền thống, hoạt động sinh hoạt văn hóa có giá trị. Vinh danh các nghệ nhân hiện đang giữ gìn và truyền dạy các hoạt động văn hóa truyền thống, có cơ chế khuyến khích hoạt động trao truyền di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là hát văn, hát chèo, hát Lải Lèn và các hình thức diễn xướng dân gian khác. Bên cạnh việc xây dựng quy hoạch các điểm du lịch cần quan tâm đến việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương trong huyện.  Đặc biệt, trong đó có quy hoạch chi tiết Khu du lịch nhân văn tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao đã được công bố từ lâu. Khai thác từ các giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất và con người Hòa Hậu và từ các tư liệu trong các tác phẩm của Nam Cao, đây được coi là mô hình khu du lịch văn học trong phát triển du lịch. Phát triển được mô hình này, Lý Nhân sẽ có điểm nhấn độc đáo để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm và ẩm thực của vùng.
 
Đền Trần Thương đang là điểm đến du lịch tâm linh của Lý Nhân. Để phát triển tốt giá trị của di tích rất cần liên kết với các di tích cùng chủ thể thờ phụng như đền thờ gia quyến Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Trần (Nam Định), đền Trần (Thái Bình), đền Trần Thương (Hà Nam), đền Trần (Thanh Hóa). Đều là đền thờ nhà Trần nhưng điểm độc đáo về kiến trúc và nghi lễ thờ phụng mà mỗi di tích mang lại đều khác nhau. Hiện huyện Lý Nhân đã đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông nối Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương đến cầu Thái Hà, tuyến đường này giúp kết nối đền Trần Thương với đền Trần Nam Định và  đền Trần Thái Bình.
 
Có tài nguyên và định hướng, để phát triển du lịch, huyện Lý Nhân còn cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, từng điểm đến và khuyến khích doanh nghiệp cộng đồng làm du lịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, nhất là về văn hóa, du lịch.
 
Chu Bình
Báo Hà Nam điện tử - baohanam.com.vn