Hà Nội là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có bề dày văn hóa lịch sử, sở hữu 5.922 di tích, 1.793 di sản phi vật thể và 1.350 làng nghề, cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, được coi là nguồn tài nguyên quý trong phát triển du lịch. Ngành Du lịch Thủ đô vốn coi du lịch văn hóa là sản phẩm chủ đạo; cơ quan quản lý du lịch cùng các tổ chức, đơn vị hoạt động du lịch đang thúc đẩy loại hình du lịch trải nghiệm gắn với di sản và làng nghề Hà Nội.
Triển lãm "Cộng đồng số 01" tại Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: TTXVN
Thêm ý nghĩa cho sản phẩm du lịch
Nằm ở phía Tây của Hà Nội, giữa một vùng phong cảnh "sơn kỳ, thủy tú" của xứ Đoài, đẹp về cảnh trí, vượng về phong thủy và linh thiêng trong tâm thức dân gian, huyện Quốc Oai có các giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú. Toàn huyện có 101 di tích đã được xếp hạng, nổi bật là quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và Di tích quốc gia đặc biệt đình So; nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể có giá trị như: Nghệ thuật múa rối nước, hát Dô, hát Ví Hàm Rồng, hát Tuồng, Chèo, biểu diễn Cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường; cùng với đó là 55 lễ hội truyền thống... Hơn nữa, do có vị trí giao thông thuận lợi, gần trung tâm Thủ đô nên hằng năm, Quốc Oai đón lượng lớn khách tới tham quan, trải nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết: Để khai thác, phát huy tối đa các nguồn lực, tài nguyên sẵn có, tạo bước chuyển trong phát triển du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, thời gian qua, huyện Quốc Oai đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp “Bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch trên địa bàn huyện”.
Làng cổ Đường Lâm từ lâu nổi tiếng là “đất hai Vua”, là một “bảo tàng sống” lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Bắc Bộ, có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… cùng với 956 ngôi nhà truyền thống. Trung bình mỗi năm, Làng cổ Đường Lâm thu hút gần 150.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000-7.000 lượt khách quốc tế. Du khách đến với Đường Lâm không chỉ được tìm hiểu các nét kiến trúc, cảnh quan, nếp sinh hoạt của người dân mang đặc trưng của nông thôn mà còn được tham gia vào quy trình làm ẩm thực, làm nông nghiệp, ăn ở cùng người dân trong làng. Những hoạt động đó để lại ấn tượng, tạo cảm xúc cho mỗi chuyến đi của khách, nhất là khách nước ngoài.
Hay khi đến Làng gốm Bát Tràng, du khách thích thú khi được tận tay vuốt, nặn gốm, tạo những sản phẩm lưu niệm để mang về. Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, du khách không chỉ được tìm hiểu về di tích mà còn được tham gia các hoạt động văn hóa, tham gia các trò chơi giải mã về giá trị di sản. Phường rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh) không những tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ khách mà các nghệ sĩ nông dân còn thường xuyên giao lưu với khách, hướng dẫn khách tham gia điều khiển con rối…
Với một hệ thống các di sản và làng nghề phong phú, theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, đây là những tài nguyên vô cùng quý giá để ngành Du lịch Thủ đô phát huy những giá trị, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng cho từng địa phương, phục vụ đa dạng đối tượng khách du lịch nội địa và quốc tế. Thông qua đó, tăng cường sự hiểu biết cho người dân địa phương, nâng cao đời sống về tinh thần và tiện ích xung quanh.
Tăng cường trải nghiệm cho du khách
Hiện nay, khách du lịch đến Hà Nội đang có xu hướng tăng cao, nhất là khách nước ngoài. Đây là tín hiệu tích cực để ngành Du lịch Thủ đô thực hiện các giải pháp thu hút khách, thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Trong đó, việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang đặc trưng của Hà Nội, tạo sức hấp dẫn đối với du khách được quan tâm.
Hà Nội đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch, trong đó thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số huyện Ba Vì. Trong tháng 02/2024, Sở Du lịch Hà Nội xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di sản, di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức; tuyến Trung tâm Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì… Hiện nay, Sở Du lịch đang tiếp tục xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số tại huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ…
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, để các sản phẩm này trở nên hấp dẫn, có tính đặc trưng cần có sự triển khai đồng bộ. Trước hết, phải hiểu rõ đối tượng khách đến với địa phương, nhu cầu và mong muốn của họ, từ đó có sản phẩm trải nghiệm phù hợp. Ví dụ, trải nghiệm của du khách tại điểm tham quan Làng tăm hương Quảng Phú Cầu mới dừng lại ở “check-in” chụp ảnh, trong khi du khách còn nhiều nhu cầu khác.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, Hà Nội cần phát triển nhiều trải nghiệm du lịch khác nhau theo hướng xây dựng và phát triển các tour du lịch độc đáo, tìm hiểu về lịch sử, trải nghiệm phong phú về văn hóa của địa phương, các công đoạn sản xuất của nghề, ẩm thực đặc trưng… Từ đó, giúp du khách tương tác với người dân địa phương, nghệ nhân, người nổi tiếng trong làng, tham gia học nghề thủ công truyền thống, lễ hội của địa phương. Khi phát triển tuyến du lịch sẽ tạo ra chuỗi dịch vụ đa dạng hơn, tăng cường trải nghiệm của du khách.
Ngoài ra, công tác xúc tiến và hoạt động du lịch, công tác liên kết giữa các địa phương trong hoạt động đưa đón khách tham gia trải nghiệm gắn với các di sản, làng nghề cũng cần được xác lập. Để từ đó, sản phẩm du lịch này phát triển, mang lại lợi ích nhiều mặt, từ thu hút khách đến phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô.
Đinh Thuận (TTXVN)