Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ một số chính sách phát triển du lịch cộng đồng cùng các nguồn vốn khác, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa homestay cho các xã biển nhằm giới thiệu, quảng bá thế mạnh, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, nhất là du lịch biển.
Quảng Công (Quảng Điền) đầu tư hạ tầng xuống biển
Với lợi thế là các xã vùng ven biển, đầm phá, nhiều năm nay, phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đã “nhen nhóm” trong các hộ dân cũng như chính quyền địa phương vùng Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền). Tuy nhiên, nguồn lực các địa phương này còn nhiều khó khăn, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch biển còn hạn chế nên chưa thể phát huy hết tiềm năng của địa phương. Đến nay, đi trên các con đường ven biển, đường liên thôn, xã thênh thang, đổ bê tông xi măng phẳng lỳ, mới thấy câu chuyện du lịch cộng đồng ở các xã biển đã thực sự “trở mình” từ những cơ sở hạ tầng đầu tiên được đầu tư khang trang, đồng bộ.
Ông Lê Nguyên Oai, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công (Quảng Điền) cho biết, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương, xã đã quy hoạch đất dịch vụ du lịch tại 4 thôn vùng biển gồm Cương Giáng, Tân Thành, Hải Thành, An Lộc. Từ năm 2019 đến nay, từ các nguồn vốn ngân sách, xã đã tiến hành đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng các thôn vùng biển bao gồm hệ thống chiếu sáng, đường sá, bãi đỗ xe với tổng mức đầu tư khoảng 35 tỷ đồng.
Các cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được nâng cấp, đầu tư mới để phục vụ du khách như các tuyến kè biển, đường dọc bờ biển và nối dài giữa các thôn, xóm. Các công trình đã đầu tư phát huy hiệu quả có thể kể đến như các Dự án Nâng cấp mở rộng đường Cương Giáng (từ Quốc lộ 49B đến khu du lịch Ruốc Village), kinh phí 1,4 tỷ đồng. Nâng cấp đường nối Quốc lộ 49B đến khu dịch vụ du lịch Cương Giáng, kinh phí 6,2 tỷ đồng. Nâng cấp mở rộng đường từ khu Ruốc Village đến khu dịch vụ du lịch Cương Giáng, kinh phí 1,2 tỷ đồng. Đường nối Quốc lộ 49B - biển Tân An, kinh phí 2,8 tỷ đồng. Đường phát triển du lịch Tân Lộc - Tân An, kinh phí 1,6 tỷ đồng và đường phát triển dịch vụ du lịch Tân Thành, kinh phí 3,2 tỷ đồng.
Ngoài các công trình đã đầu tư, hiện tại trên địa bàn cũng đang triển khai các dự án nâng cấp, xây mới đường giao thông đến bãi biển như đường giao thông Hải Thành - Cương Giáng, kinh phí 7,3 tỷ đồng. Nâng cấp mở rộng đường Phường Thiềm (từ cổng chào đến bãi biển), kinh phí 2,2 tỷ đồng. Hạ tầng phục vụ dân sinh kết hợp phát triển du lịch xã Quảng Công (phần hạ tầng giao thông), kinh phí 3,15 tỷ đồng. Hạ tầng phục vụ dân sinh kết hợp phát triển du lịch xã Quảng Công (giao thông, điện chiếu sáng, bãi đổ xe), kinh phí 9,8 tỷ đồng.
Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 09/7/2019 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, xã Quảng Công đã rà soát nhu cầu và cho người dân đăng ký để được hưởng hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa homestay trên địa bàn. Ông Hồ Cường (thôn Cương Giáng, xã Quảng Công), một hộ dân được hỗ trợ cho biết, ý tưởng về mở homestay phục vụ du lịch biển đã nhen nhóm trong ông từ lâu, nhưng vì điều kiện khó khăn nên nhiều năm giấc mơ làm du lịch biển vẫn đang dang dở.
Tháng 6 /2023, từ nguồn vốn phát triển du lịch cộng đồng, được chính quyền cho đăng ký và hỗ trợ xây mới 3 phòng lưu trú (diện tích từ 12-15m2) với tổng số tiền 90 triệu đồng. Đến nay, để đầu tư đầy đủ cho homestay phục vụ du lịch biển của mình, ông đã bỏ ra tổng kinh phí hơn 350 triệu đồng. “Hiện nay, đã có một số khách tìm về biển Quảng Công du lịch và lưu trú. Tuy quy mô còn chưa lớn, nhưng từ sự hỗ trợ ban đầu của chính quyền, bà con đã có thu nhập bước đầu”, ông Hồ Cường phấn khởi.
Theo UBND huyện Quảng Điền, năm 2023 từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, địa phương đã này hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa homestay cho các hộ dân ở xã Quảng Công, Quảng Ngạn với tổng kinh phí 570 triệu đồng. Trong đó, riêng xã Quảng Công, đã hỗ trợ xây dựng mới 13 phòng lưu trú cho 5 hộ trên địa bàn các thôn vùng biển, với tổng kinh phía 390 triệu đồng. Năm 2024 có 6 hộ dân đăng ký mới, nhưng chỉ có 3 hộ dân được phê duyệt tiền hỗ trợ xây dựng homestay và chuẩn bị triển khai thi công.
Ông Lê Nguyên Oai thông tin, để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương về lĩnh vực du lịch biển, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, xã đã kêu gọi các doanh nghiệp liên kết, đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Đồng thời, kết nối tour tuyến du lịch để thu hút du khách nhằm giới thiệu quảng bá thế mạnh về du lịch của địa phương, nhất là du lịch biển, kết hợp với việc tham quan các điểm di tích lịch sử, làng nghề truyền thống của các địa phương.
Theo UBND huyện Quảng Điền, hiện nguồn nhân lực các xã vùng biển khá dồi dào nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cả về chuyên môn lẫn nghiệp vụ đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch biển còn hạn chế. Việc phát triển du lịch biển cộng đồng đã có quy hoạch tổng thể, nhưng chưa có quy hoạch chi tiết, do vậy chủ yếu là giao mặt bằng tạm thời hằng năm để xây dựng, nên các hộ kinh doanh du lịch được giao không an tâm để mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch.
Các cơ sở lưu trú bước đầu đang còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, không đảm bảo lưu trú khi có đoàn với số lượng đông. Khó khăn trong trong việc kêu gọi xã hội hóa, đầu tư vào các hạng mục du lịch biển ở các địa phương vùng biển. Do vậy, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế ưu đãi để thu hút các cá nhân, tổ chức có tiềm lực tài chính lớn đầu tư phát triển du lịch biển trên địa bàn, nhất là loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, làm tốt công tác quy hoạch, khảo sát tài nguyên du lịch để hình thành các tuyến, điểm du lịch một cách có hệ thống.
Bài, ảnh: Hà Nguyên
Báo Thừa Thiên Huế online - baothuathienhue.vn