Cùng với chín tỉnh, thành phố khác ở khu vực Trung Bộ, Thừa Thiên Huế là địa phương làm tốt công tác gìn giữ, phát huy giá trị di sản bài chòi. Nhiều mô hình câu lạc bộ bài chòi ra đời với hình thức sinh hoạt phong phú, tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật bài chòi trong các lễ hội, dịp lễ, Tết… nhằm lan tỏa, gìn giữ giá trị di sản của loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Hoạt động hô bài chòi tại chợ quê cầu ngói Thanh Toàn thu hút nhân dân và du khách tham gia
Bài chòi là một trò chơi, đồng thời là một loại hình diễn xướng dân gian khá phổ biến của cư dân các tỉnh ven biển miền trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Thời gian qua, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được sự đồng tình ủng hộ của các nghệ nhân, cộng đồng nhân dân, sự hưởng ứng tích cực của các trường học trên địa bàn.
Đưa di sản bài chòi vào trường học
Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được UNESCO chính thức công nhận vào tháng 12/2017, trong đó Thừa Thiên Huế là một trong chín tỉnh, thành phố nằm trong danh sách được ghi danh. Không lâu sau khi được công nhận, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn, giai đoạn 2019-2023.
Trong đó, điểm nhấn của đề án được xác định là việc trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ bằng cách đưa bài chòi vào trong trường học, giúp học sinh nhận diện di sản nghệ thuật bài chòi. |
Từ đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành địa phương tiên phong đưa di sản bài chòi vào trường học, qua đó lan tỏa một cách tự nhiên, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật này trong đời sống xã hội.
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách hát, hò, kỹ năng trình diễn, cách gõ phách bài chòi cho hàng trăm giáo viên bộ môn âm nhạc, cũng như các tổng phụ trách. Ở các buổi sinh hoạt, tập huấn về bài chòi, những nghệ nhân lão luyện đã hướng dẫn các kỹ năng như cách gõ phách, cách hát…, sau đó các giáo viên đưa di sản bài chòi vào dạy lồng ghép trong chương trình môn âm nhạc, cũng như các chương trình ngoại khóa để giới thiệu, truyền dạy cho các em học sinh.
Bà Nguyễn Thị Lợi, công tác tại Phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, từ năm 2019 đến năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã phối hợp Ủy ban nhân dân thị xã Hương Thủy, các huyện Quảng Điền và Nam Đông tổ chức bảy lớp tập huấn hát bài chòi trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có hai lớp tập huấn cho 48 học viên là những người yêu thích, đam mê bài chòi trên địa bàn huyện Quảng Điền và Nam Đông, năm lớp tập huấn đưa di sản bài chòi vào trường học cho 75 giáo viên bộ môn âm nhạc, tổng phụ trách các trường và 225 em học sinh trên địa bàn các huyện, thị xã…
“Việc đưa di sản bài chòi vào trường học không chỉ đơn thuần là hướng dẫn cho học sinh tập hát, hô bài chòi, mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng câu hò. Thông qua hoạt động này, các em học sinh được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về nghệ thuật bài chòi, xem các nghệ nhân biểu diễn và các em được tham gia trực tiếp vào các hội chơi bài chòi, được các nghệ nhân hướng dẫn hò các làn điệu bài chòi với tinh thần vui tươi, sôi nổi, vừa chơi vừa học nhằm tạo sức lôi cuốn”, bà Lợi chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Lợi, chương trình đưa di sản bài chòi vào trường học còn giúp các em biết trân trọng, yêu quý di sản nghệ thuật bài chòi, có niềm đam mê với bài chòi nói riêng và âm nhạc truyền thống dân tộc nói chung. Qua đó, bồi đắp cho thế hệ trẻ giá trị thẩm mỹ và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sự tiếp nối cho các thế hệ trong việc bảo vệ và phát huy di sản đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh việc đưa di sản bài chòi vào trường học, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều câu lạc bộ bài chòi được thành lập và tham gia nhiều liên hoan nghệ thuật, cuộc thi bài chòi trong và ngoài tỉnh. Ngoài mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, những câu lạc bộ này còn phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, thông qua các hội thi, các buổi sinh hoạt, trình diễn được tổ chức vào những lễ hội, dịp hè, Tết Nguyên đán… đã xuất hiện các nhân tố mới với giọng ca tiềm năng không những chỉ về chất giọng, kỹ thuật hô, hát bài chòi mà còn thể hiện các tiết mục bằng cả sắc thái tình cảm, đem lại hiệu quả cảm xúc cho người nghe. Những nhân tố mới này về sau được đào tạo, bồi dưỡng kỹ hơn để tiếp nối công tác bảo tồn cũng như phục vụ các hoạt động nghệ thuật liên quan đến bài chòi.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di sản nghệ thuật bài chòi được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực. Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế thực hiện các chương trình giới thiệu nghệ thuật bài chòi để phát trên sóng truyền hình và phát thanh của tỉnh.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế đã xây dựng và duy trì các chương trình tuyên truyền, quảng bá về di sản nghệ thuật bài chòi, qua đó góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, cán bộ ở các cấp chính quyền nói chung và cộng đồng xã hội về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật bài chòi ở Thừa Thiên Huế.
Vẫn còn nỗi lo thất truyền
Một thực tế cho thấy, các nghệ thuật bài chòi đang đứng trước sự cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật, âm nhạc, trò chơi, thú tiêu khiển công nghệ cao, hiện đại khác. Thị hiếu thưởng thức văn hóa, âm nhạc của một bộ phận người dân, đa phần là lớp trẻ đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Hầu hết các nhóm, câu lạc bộ thực hành bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh hoạt động tự nguyện, công tác truyền dạy ở các câu lạc bộ bài chòi còn hạn chế, chủ yếu truyền dạy lời hò giữa các thành viên trong gia đình, làng xã. Kinh phí để duy trì các hoạt động còn hạn hẹp, chủ yếu từ nguồn triển khai đề án và một phần nhỏ từ nguồn xã hội hóa.
“Nghệ thuật bài chòi đang dần mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất. Những lớp nghệ nhân là những người thực hành nghệ thuật bài chòi dân gian, được coi là những “di sản sống”, “thư viện sống” đã lần lượt qua đời vì tuổi tác, trong khi thế hệ trẻ lại bị lôi cuốn theo các trò chơi hiện đại, trò chơi công nghệ cao. Đặc biệt, không gian diễn xướng của các làng xã đang dần bị biến dạng dưới tác động của quá trình đô thị hóa đã làm cho không gian thực hành nghệ thuật bài chòi dân gian bị biến đổi”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải chia sẻ.
Ông Phan Thanh Hải khẳng định, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi nhận được sự đồng tình ủng hộ của các nghệ nhân, cộng đồng nhân dân, sự hưởng ứng tích cực của các trường học trên địa bàn, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Qua 5 năm thực hiện đề án bảo tồn, về cơ bản đã bảo đảm được các nội dung công việc đề ra theo lộ trình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nỗi lo, trong đó việc duy trì đội ngũ nghệ nhân có chất lượng hoạt động trong lĩnh vực bài chòi đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là khi đội ngũ này ngày càng lớn tuổi, trong khi những nghệ nhân, học viên trẻ, những người biết hát bài chòi ngày càng ít dần, lớp trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống, vì thế di sản bài chòi đang đối mặt trước nguy cơ thất truyền.
Trước đây, Hội bài chòi Thủy Thanh thường được tổ chức ở trước sân đình hay nơi họp chợ. Mỗi lần có hội bài chòi thì hầu hết người dân trong làng từ các em nhỏ, các cô, cậu thanh niên cho đến các bà, các cụ đều háo hức tham gia.
Nghệ nhân Trần Duy Đối, người đã hơn 50 năm gắn bó với “nghề” hò bài chòi ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy)
|
Ông Đối chia sẻ: “Nghệ thuật bài chòi tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh duyên hải miền trung đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì vậy, chúng tôi muốn đem hết sức mình để đưa Câu lạc bộ bài chòi Thủy Thanh và nghệ thuật bài chòi của các làng ngày một phát triển bền vững. Tôi sẽ đào tạo, trao truyền ngọn lửa đam mê này cho thế hệ trẻ trong thôn, trong xã, nhất là các em học sinh để tiếp nối, kế cận”.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi, ngành văn hóa cần tiếp tục xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”. Ngành tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản; phối hợp các địa phương đẩy mạnh việc sưu tầm, kiểm kê, hệ thống hóa về di sản nghệ thuật bài chòi.
“Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa di sản này trong cộng đồng; nâng cao hiệu quả chương trình đưa di sản bài chòi vào trường học; xây dựng đội ngũ nghệ nhân có chất lượng, đào tạo đội ngũ kế cận để tiếp nối, phát huy giá trị; tổ chức nhiều sân chơi, cuộc thi liên quan; đưa nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút du khách nhằm bảo tồn, phát huy phù hợp đặc trưng, bản sắc của di sản nghệ thuật bài chòi Thừa Thiên Huế”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Công Hậu