logo
title

Khơi dậy tiềm năng du lịch ở Hà Tĩnh

Cập nhật ngày: 20/05/2024
Tương lai của ngành công nghiệp “không khói” Hà Tĩnh vẫn chưa thể tươi sáng hoàn toàn nếu như không biết cách vận dụng tối đa tiềm năng vốn có của địa phương.
Được thiên nhiên ưu đãi sở hữu “rừng vàng, biển bạc”, Hà Tĩnh chiếm rất nhiều ưu thế trong việc đưa du lịch trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của địa phương. Vậy nhưng, đã nhiều năm trôi qua, ngành công nghiệp “không khói” nơi này vẫn mãi loay hoay với 2 chữ “tiềm năng”...
 
Bức tranh du lịch Hà Tĩnh còn đơn điệu, hiệu quả kinh tế đạt được chưa tương xứng với tiềm năng
 
Tài nguyên du lịch đa dạng…
 
Qua tìm hiểu được biết, tỉnh Hà Tĩnh có đường bờ biển dài 137km với những bãi tắm, điểm đến du lịch biển hấp dẫn như: Khu du lịch Thiên Cầm, Xuân Thành, Xuân Hải, Quỳnh Viên, Kỳ Ninh, Đèo Con… Bên cạnh đó, nơi đây còn lưu trữ hàng trăm di tích, danh thắng, với đủ loại hình như: Khu di tích danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, chùa Hương Tích, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông... cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm các làng nghề truyền thống, lễ hội văn hóa, nhiều hình thức diễn xướng đa dạng và đặc sắc.
 
Chưa kể, các tiềm năng khác gắn liền với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sân golf,… cũng được địa phương này khai mở trong những năm gần đây và cho đến hiện tại đã trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách thập phương.
 
Đánh giá về sự phát triển của du lịch Hà Tĩnh, ông Trần Quốc Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh cho hay: Trước hết, có thể nhận định rằng, Hà Tĩnh hội tụ đầy đủ các nguyên liệu quý để phát triển mạnh ngành công nghiệp “không khói”. Hiện nay, địa phương có 40 khu, điểm du lịch; trong đó có 15 khu, điểm đã được công nhận cấp tỉnh. Mặc dù số lượng ít nhưng với sự đa dạng về loại hình sản phẩm, địa phương được đánh giá là điểm dừng chân lý tưởng để du khách có thể thỏa sức khám phá, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… cũng như hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc nơi đây.
 
“Bản thân tôi vừa là chủ tịch hiệp hội, vừa là một doanh nhân làm du lịch, vì vậy tôi luôn nhìn vào những con số thực tế để đánh giá lĩnh vực này có chuyển biến hay không?!. Và khi chúng tôi - những người doanh nhân quyết định tham gia đầu tư nghĩa là chúng tôi khẳng định sự chuyển biến rất tích cực của du lịch Hà Tĩnh trong năm vừa qua” - ông Lâm nhấn mạnh.
 
… nhưng còn yếu và thiếu!
 
Mặc dù ghi nhận nhiều nét khởi sắc nêu trên, tuy nhiên, qua nhận định của ông Trần Quốc Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Tĩnh khi so sánh với sự phát triển của các địa phương lân cận, có điều kiện tương đồng trong khu vực Bắc Trung Bộ thì ngành du lịch Hà Tĩnh vẫn chậm chân, hiệu quả kinh tế đạt được chưa tương xứng với tiềm năng.
 
“Phải khẳng định rằng Hà Tĩnh có tiềm năng du lịch dồi dào nhưng yếu tố cốt lõi nhất trong du lịch chính là sản phẩm, cao hơn nữa là sản phẩm độc đáo có sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Vậy thì khi lượng khách lưu trú của Hà Tĩnh cũng như mức chi tiêu của du khách còn thấp nghĩa là sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm độc đáo có sức hấp dẫn của du lịch Hà Tĩnh đang có vấn đề” - ông Lâm nói.
 
Bên cạnh việc thiếu vắng sản phẩm du lịch nổi bật, đặc trưng, vị Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Tĩnh thông tin thêm: Hiện nay, Hà Tĩnh cũng chưa khai thác được chuỗi sản phẩm du lịch phục vụ các nhu cầu giải trí, mua sắm của du khách. Đơn cử như ở dòng sản phẩm du lịch biển vốn có lợi thế về không gian để xây dựng các sản phẩm phụ trợ: Dịch vụ thư giãn, giải trí… thì địa phương vẫn còn nghèo nàn, chưa bắt kịp xu thế. Thậm chí, một số mô hình được áp dụng lại là sản phẩm chưa khơi dậy được sự sáng tạo, khai mở các sản phẩm mới, đặc trưng và chỉ dừng lại ở tính đơn lẻ, thời vụ...
 
Bởi vậy, muốn cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch, ông Trần Quốc Lâm cho rằng: Trước hết, các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và nhà đầu tư cần phải đề ra các kế hoạch, giải pháp triển khai hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm; lấy đích đến là du lịch xanh - bền vững và đặc biệt là lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm để phát triển.
 
Bên cạnh đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh khai thác các phân khúc thị trường khách du lịch, các sản phẩm chuyên đề mà Hà Tĩnh có thế mạnh...
 
Hồng Quang - Ngọc Thái
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - diendandoanhnghiep.vn