“Một Việt Nam thu nhỏ”, “viên kim cương xanh” hay “vùng đất của những bí ẩn bất tận”… không đơn giản mà những mỹ từ này được khoác lên cho du lịch Quảng Bình. Từ một tỉnh nghèo “chang chang cồn cát”, Quảng Bình đặt mục tiêu phát triển ngành Du lịch để địa phương trở thành một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á. Từ gian khó đến hôm nay là cả một hành trình dài miệt mài “đánh thức” tiềm năng, lợi thế của “vương quốc hang động” và đổi thay nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Đi lên từ gian khó
Sau ngày tái lập tỉnh, Quảng Bình đối diện với vô vàn khó khăn. Thời điểm này, du lịch địa phương còn khá manh mún, sản phẩm nghèo nàn. Phải từ năm 1996-2000, số lượng khách du lịch đến Quảng Bình mới bắt đầu tăng nhanh hơn nhưng chủ yếu là khách nội địa, tham quan động Phong Nha, động Tiên Sơn, tắm biển Nhật Lệ. Du lịch lúc bấy giờ mới chỉ được xem là một ngành kinh tế tổng hợp. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động du lịch vẫn còn nhỏ lẻ, xuống cấp, chất lượng phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tháng 7/2003, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đây được coi là dấu mốc đánh dấu sự hiện diện của Quảng Bình lên bản đồ du lịch. Từ đây, xác định du lịch có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Quảng Bình đã ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch mang tính đột phá, quyết liệt trong đường lối phát triển, từng bước làm đổi thay nhận thức của người dân về du lịch.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đặng Đông Hà, mặc dù nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng phải đến giai đoạn 2003-2011, ngành Du lịch mới thực sự bước vào thời kỳ tăng trưởng và khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Bình. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2001-2005 đã xác định phát triển nhanh du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Thời điểm này, cùng với chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2001-2005, tỉnh cũng đã sớm có quy hoạch phát triển du lịch. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV nhiệm kỳ 2005-2010 đã định hướng ưu tiên phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế có tính đột phá của tỉnh. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được chú trọng, đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, ưu tiên phát triển nhiều loại hình du lịch đặc trưng.
Những hang động ẩn mình giữa đại ngàn đã dần được “đánh thức”, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ảnh: Oxalis Adventure
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XV, XVI và XVII, du lịch dần khẳng định được vị thế của ngành kinh tế quan trọng tại địa phương. Nếu Nghị quyết Đại hội XV tiếp tục khẳng định phát triển du lịch từng bước trở thành 1 trong 4 ngành kinh tế mũi nhọn thì Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI tiếp tục nhấn mạnh phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành chương trình hành động, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, tạo điều kiện để người dân tham gia vào các hoạt động du lịch. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định “đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và là 1 trong 4 khâu đột phá lớn.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương, ngày 09/12/2020, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025, xác định quan điểm, mục tiêu và đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp lớn.
Mỗi giai đoạn phát triển, Quảng Bình luôn có những chủ trương, chính sách thích hợp để phát triển du lịch gắn với từng vùng, từng địa phương, từng tiềm năng, thế mạnh. Kịp thời, nhanh nhạy, đúng thời điểm, những quyết sách ấy đã giúp du lịch Quảng Bình vượt qua nhiều sóng lớn do thiên tai, dịch bệnh gây ra để tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Từ nhận thức đến hành động
Trên hành trình hơn 30 năm, điều đáng tự hào của du lịch Quảng Bình chính là làm thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển du lịch, từng bước để mỗi người trở thành một đại sứ du lịch. Từ chỗ thờ ơ, thụ động với các hoạt động du lịch tại địa phương, người dân bắt đầu dần coi du lịch chính là một trong những ngành kinh tế quan trọng để phát triển bộ mặt kinh tế-xã hội, góp phần đổi thay đời sống của chính mình. Tại Phong Nha (Bố Trạch), Tân Hóa (Minh Hóa)… hoạt động du lịch không chỉ làm đổi thay bộ mặt của địa phương, mà còn góp phần quan trọng trong thay đổi từ nhận thức, ý thức đến hành động của người dân.
Trên hành trình phát triển du lịch địa phương, tỉnh Quảng Bình luôn duy trì chiến lược phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm. Sử dụng tài nguyên phục vụ du lịch luôn đi đôi với công tác bảo tồn, đồng thời không ngừng nâng cao giá trị tài nguyên và gắn với nâng cao lợi ích cộng đồng.
Nếu như nhiều năm trước, việc sống bằng nghề rừng đã trở thành thói quen, nếp nghĩ thì nay, khi hoạt động du lịch bắt đầu được triển khai tại địa phương, nhiều người trong số họ lại tham gia và trở thành những người dẫn đường hiểu biết, trách nhiệm trong các tour khám phá hang động.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chua Me Đất cho rằng từ một người khai thác rừng trái phép, người dân trở thành người giữ rừng lặng lẽ, nâng niu từng thân cây, ngọn cỏ. Người dân đã thay đổi khi từ chỗ là người khai thác rừng đến tư duy trân trọng giá trị của rừng, từ chỗ thích làm nặng nhọc một lúc và kiếm được ít tiền đã chuyển qua thay đổi bản thân để làm dịch vụ hàng ngày.
Theo ông Đặng Đông Hà khẳng định, từ chỗ manh mún, rời rạc trong tư duy, quảng bá du lịch, các doanh nghiệp đã dần chủ động, cùng gánh vác, cùng sẻ chia và kết nối. “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Quảng Bình đã đồng hành, sát cánh, sẻ chia quyền lợi, trách nhiệm để có thể “đi xa cùng nhau” trên hành trình phát triển du lịch tỉnh nhà.
“Thức giấc”
Nếu giai đoạn từ năm 1990-1999, du lịch Quảng Bình chỉ đón 0,6 triệu lượt khách thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên 4,5 triệu lượt. Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 10 triệu lượt khách. Từ chỗ chỉ được biết đến với động Phong Nha, động Tiên Sơn, biển Nhật Lệ, đến nay, Quảng Bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn với phong phú các sản phẩm du lịch, khai thác lợi thế rừng vàng, biển bạc. Những hang động ẩn mình giữa đại ngàn đã dần được “đánh thức”. Sơn Đoòng, hang Én, hang Va, Tú Làn… trở thành nơi mong mỏi một lần được đặt chân tới của những tâm hồn ưa khám phá, thích trải nghiệm. Nhờ du lịch, nhiều làng quê của Quảng Bình đã đổi thay, khởi sắc từng ngày. Năm 2023, làng Tân Hóa (Minh Hóa) được vinh danh là làng du lịch tốt nhất-giải thưởng danh giá của Tổ chức Du lịch thế giới-đã nêu bật những giá trị du lịch bảo tồn và phát huy các sản phẩm, lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam, phát huy những giá trị về phát triển du lịch bền vững.
Là phim trường hấp dẫn, là “điểm đến thế giới”, là “nơi mong đến, chốn mong về”…, du lịch Quảng Bình đã “đánh thức” những tiềm năng thiên nhiên, giá trị văn hóa đằm sâu để phát triển. Hành trình đi lên từ gian khó đang từng bước vươn tới đích thành công để Quảng Bình luôn là “điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt”.
Diệu Hương