logo
title

Yên Bái: Mường Lai (Lục Yên) khai thác lợi thế làm du lịch

Cập nhật ngày: 11/06/2024
Cách trung tâm huyện Lục Yên (Yên Bái) 13 km về phía Đông Bắc, xã Mường Lai là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Tày với những nét văn hóa truyền thống độc đáo; nơi có Khu căn cứ cách mạng Cổ Văn cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành với hệ thống liên hồ thủy lợi Từ Hiếu, Roong Đeng, Tặng An... là tiềm năng tiềm năng, lợi thế để Mường Lai phát triển du lịch (PTDL) xanh gắn liền với môi trường, cảnh quan cũng như đời sống cộng đồng cư dân bản địa.
 
Du lịch Mường Lai ngày càng thu hút du khách
 
Đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm để đón đoàn khách du lịch từ Quảng Ninh lên nghỉ dưỡng, anh Hoàng Văn Chiếm ở thôn 2, xã Mường Lai vui vẻ chia sẻ: "Nhận thấy tiềm năng PTDL, nên gia đình tôi quyết định đầu tư, xây dựng mô hình nhà nổi trên hồ Roong Đeng. Đến nay, sau rất nhiều nỗ lực, mô hình đã trở thành điểm đến của du khách mỗi khi đến với mảnh đất Mường Lai. Trung bình mỗi năm chúng tôi đón hàng trăm lượt khách, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài được trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, chúng tôi còn nhiều dịch vụ văn hóa văn nghệ, trình diễn những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Tày để đem đến những trải nghiệm thú vị cho du khách”.
 
Xác định PTDL là một xu thế tất yếu, thời gian qua, xã Mường Lai đã quan tâm, chú trọng bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày bảo đảm hài hoà hai mục tiêu là phát triển kinh tế và gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa. Công tác quảng bá, quy hoạch và đầu tư, quản lý hoạt động du lịch ngày càng được đẩy mạnh. 
 
Nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch được đầu tư với đa dạng dịch vụ ăn - ngủ - nghỉ, đem đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Xã đã khôi phục và phát triển Lễ hội Xo May (cầu may mắn) gắn với Lễ hội đình Nà tổ chức vào Rằm tháng Giêng hằng năm, tạo được ấn tượng với du khách trong và ngoài huyện, góp phần tôn vinh, bảo tồn di sản văn hóa của địa phương. 
 
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh - du khách Hà Nội chia sẻ: "Được tham dự Lễ hội Xo May của người Tày khiến tôi thấy rất vui và ấn tượng. Đặc biệt là màn Dậm Thuông - một điệu múa truyền thống của dân tộc Tày với sự tham gia của hàng trăm diễn viên quần chúng. Những bước nhảy, điệu múa của các chàng trai, cô gái khi uyển chuyển, lúc mạnh mẽ đã kết nối, giúp mọi người gần gũi nhau hơn. Chắc chắn, tôi sẽ còn quay trở lại nơi đây trong thời gian tới!”.
 
Cùng với những tiềm năng vốn có, Mường Lai xác định tập trung vào khai thác bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Xã đã thành lập các Câu lạc bộ hát dân ca Tày; thành lập câu lạc bộ và mở các lớp truyền dạy khắp cọi (hát dân ca) ở các bậc học nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát triển nét văn hóa; qua đó, tạo nguồn lực tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa, văn nghệ tại địa phương; xây dựng khu trưng bày các sản phẩm đan lát, thổ cẩm truyền thống tại trường học để giáo dục về bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ... 
 
Trong các dịp lễ, tết, ngày hội, hoạt động của các hội, nhóm… người dân nơi đây đều đã đưa hát dân ca vào biểu diễn cùng với trang phục truyền thống là tà áo chàm, bản sắc văn hóa không những được người Tày Mường Lai trân trọng giữ gìn, mà còn đang dần trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng thu hút du khách. Bằng nhiều  nỗ lực, đến nay, mỗi năm, Mường Lai đã thu hút hàng vạn khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước khoảng hơn 1 tỷ đồng.
 
Ông Triệu Văn Huấn - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai cho biết: cùng với việc vận động, khuyến khích người dân phát triển các mô hình du lịch, xã tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về tiềm năng PTDL tại địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, quảng bá du lịch... nhằm cung cấp thông tin, dữ liệu cần thiết để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư tại địa phương. Đặc biệt, với chủ trương xây dựng văn hóa ứng xử, xã đã tuyên truyền, vận động mỗi người dân sẽ là một đại sứ du lịch, tạo sự thân thiện, gần gũi đón mọi du khách khi đến với xã. 
 
Có thể thấy, phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa, lao động sản xuất của người dân bản địa đang được xã Mường Lai triển khai thực hiện bài bản, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Tin tưởng rằng, thời gian tới, với việc bảo tồn, phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người và miền đất Mường Lai trong thu hút, phát triển du lịch, thì các dịch vụ phục vụ du khách sẽ ngày càng hoàn thiện, đem lại những trải nghiệm chân thực, tích cực cho du khách thập phương.
 
Thu Trang
Báo Yên Bái Online - baoyenbai.com.vn