Liên hoan sân khấu Tuồng (Hát bội) không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024 vừa diễn đầu tháng 8 này đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Đây là sự kiện tạo động lực cho đội ngũ nghệ nhân hát bội không chuyên gìn giữ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật hát bội ở “miền đất Võ”, cũng như tạo ra một sản phẩm ấn tượng để hút khách.
Liên hoan thu hút hơn 100 nghệ nhân, nhạc công đến từ 9 đoàn nghệ thuật Hát bội trong tỉnh, gồm: Nhơn Hưng, Sao Mai, An Nhơn, Phước An, Trần Quang Diệu, Sông Kôn, An Nhơn 2, Ngô Mây, Hoài Nhơn, tham gia dự thi 25 trích đoạn hát bội về đề tài truyền thống, lịch sử, với thời lượng từ 20 - 30 phút/trích đoạn.
Trích đoạn Đào Tam Xuân đề cờ do đoàn Hát bội không chuyên Phước An trình bày
NSND Xuân Hợi, thành viên Ban giám khảo Liên hoan nhìn nhận, có một số diễn viên, nhạc công của các đoàn tuồng không chuyên (còn gọi là gánh hát bội truyền thống) vẫn có một số tiết mục trình diễn dong dài, thiếu hấp dẫn, phá vỡ đường nét truyền thống; một số nghệ nhân chưa thể hiện trọn vẹn phần thi.
Tuy nhiên điều đáng nghi nhận ở đây, là lực lượng nghệ nhân thành danh dù cao tuổi nhưng diễn đầy nội lực, gần như không còn khoảng cách với diễn viên chuyên nghiệp; một số đoàn đã đào tạo được nghệ nhân trẻ kế cận. “Họ đã có chất giọng hay, thể hiện cái hồn trong hát bội và tạo ấn tượng đẹp đối với du khách”, NSND Xuân Hợi chia sẻ.
Ông Nguyễn Nhật Minh, Trưởng đoàn hát Bội Phước An, huyện Tuy Phước giải bày: “Hồi dịch Covid-19 bùng phát, các đoàn tuồng không chuyên tỉnh Bình Định đều rơi vào tình trạng phải dừng hoạt động. Không lưu diễn, đi gánh hát ở nhiều nơi, các “ông bầu, bà bầu”, diễn viên, nhạc công đều rơi vào tình trạng thất nghiệp. Để có thu nhập, lo toan cho cuộc sống gia đình, nhiều người đành phải đi tìm kiếm công việc mới”.
Cũng theo ông Nguyễn Nhật Minh, cuộc liên hoan lần này chúng tôi rất phấn khởi, bởi gần 10 năm rồi tỉnh mới tổ chức lại Liên hoan. Ai nấy đều nhiệt tình đăng ký tham gia, tập luyện. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm lớp trẻ để truyền nghề nhưng tại liên hoan, tôi thấy một số đoàn có nghệ nhân trẻ tham gia biểu diễn, đây là tín hiệu đáng mừng cho sân khấu hát bội.
Chọn vị trí đẹp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, anh Lê Văn Trường (du khách Quảng Nam) cho hay: “Tôi rất thích xem hát bội. Đến Quy Nhơn du lịch đợt này, tôi được thưởng thức một “đặc sản” của dải đất miền Trung đó là hát bội và đoàn nào diễn cũng hay. Theo tôi, cần mở rộng biểu diễn của các đoàn hát bội không chuyên để thành phố biển Quy Nhơn tạo ra một sản phẩm mới, ấn tượng hút khách.
Hát bội (Tuồng) là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc. Khác với các loại hình sân khấu khác như Chèo, Cải lương... Hát bội mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc.
Có thể nói, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ Hát bội và Hát bội là sân khấu của những người anh hùng. Trong những hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột bi ai, các nhân vật chính diện đã vươn lên thoát khỏi sự chế ngự của hoàn cảnh, hành động một cách dũng cảm, anh hùng, trở thành một tấm gương, một bài học cho người đời ngưỡng mộ noi theo.
Bình Định, miền đất phát tích và lan tỏa nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu là Nghệ thuật Hát bội, Bài chòi, Võ cổ truyền. Trong đó, Hát bội là loại hình nghệ thuật trình diễn bác học mang đậm nét văn hóa truyền thống cung đình, thể hiện một phong cách Bình Định riêng có, nổi bật trong đại gia đình nghệ thuật sân khấu truyền thống toàn quốc, nơi gắn liền với tên tuổi được giới nghệ sĩ sân khấu tuồng suy tôn là vị Tiền Tổ Đào Duy Từ và vị Hậu Tổ Đào Tấn.
Đoàn nghệ thuật Hát bội Trần Quang Diệu biểu diễn trích đoạn Tiết Cương Chấn búa (vở tuồng Hộ Sanh Đàn)
Tại Bình Định, ngoài Đoàn tuồng Đào Tấn là đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh hiện có hơn 10 đoàn nghệ thuật Tuồng - Hát bội không chuyên hoạt động sôi nổi. Đây cũng là nét đặc sắc của Bình Định, luôn song hành bảo tồn và phát triển cả sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên.
Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đến nay, nghệ thuật Hát bội Bình Định vẫn giữ được bản sắc vốn có và đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức của công chúng khắp nơi. Tiếng trống hát bội Bình Định đã có dịp vang xa và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Chia sẻ về hoạt động liên hoan lần này, ông Huỳnh Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định hy vọng, sự kiện sẽ là dịp để các Đoàn nghệ thuật truyền thống trong tỉnh giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm; các nghệ nhân thi diễn tài năng, góp phần duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng phong trào sân khấu không chuyên tỉnh nhà, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ nghệ thuật của quần chúng nhân dân.
Ông Huỳnh Văn Lợi cũng tin rằng, sau liên hoan, mỗi người chúng ta sẽ mang theo những tình cảm mến thương đội ngũ nghệ nhân, sự đón nhận của khán giả dành cho nghệ thuật sân khấu truyền thống, để di sản hát bội Bình Định giữ sức sống trong dòng chảy văn hóa của dân tộc…
Bài, ảnh: Linh Tá