logo
title

Quảng Ninh: Cải thiện hạ tầng để du lịch phát triển

Cập nhật ngày: 05/09/2024
Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, những năm qua, hạ tầng du lịch như giao thông kết nối, cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch… luôn được tỉnh quan tâm, thu hút đầu tư. Qua đó, mang đến trải nghiệm đa dạng cho du khách, từ đó định vị thương hiệu điểm đến 4 mùa.
Là một trọng điểm du lịch lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng du lịch cũng như thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm, 91 khu, điểm du lịch, trong đó có 1 khu du lịch cấp quốc gia và 5 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận. Cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh với gần 2.100 cơ sở bao gồm khoảng 35.900 buồng.
 
Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ quan trọng tạo thành các sản phẩm du lịch như: Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Tổ hợp vui chơi giải trí Sunworld, các sân golf FLC, Tuần Châu (TP Hạ Long), khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả). Mới đây nhất là hàng loạt các hạ tầng du lịch được đầu tư xây dựng ở Vân Đồn như: Khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn do Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn làm chủ đầu tư, có quy mô 200 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao quốc tế và khách sạn Angsana Quan Lạn Hạ Long Bay do Công ty CP Viglacera Vân Hải làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 35ha, quy mô 150 phòng nghỉ tiêu chuẩn 5 sao quốc tế. Qua đó, đánh thức tiềm năng du lịch biển đảo chất lượng cao của khu du lịch cấp tỉnh Quan Lạn - Minh Châu nói riêng và du lịch của Vân Đồn nói chung suốt 4 mùa.
 
Tỉnh cũng đã huy động nguồn lực lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư các công trình, điển hình như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, một số cảng tàu như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng khách Ao Tiên, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... Sự phát triển của hạ tầng giao thông đã giúp du khách tiếp cận dễ dàng hơn các điểm đến du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế. Đây cũng chính là một trong những động lực để Quảng Ninh thu hút lượng khách lớn vào giai đoạn thấp điểm như tháng 9, tháng 10.
 
Ngoài ra, Quảng Ninh đã phát triển các khu du lịch với các hoạt động quanh năm như du lịch tâm linh ở Khu di tích danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông, chùa Ba Vàng, chùa Ngọa Vân… Hay như du lịch chăm sóc sức khỏe phát huy lợi thế thiên nhiên xinh đẹp thanh bình, cơ sở vật chất đủ tiêu chuẩn như: Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh, khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy đẳng cấp quốc tế,…
 
Tàu dịch vụ trên Vịnh Hạ Long ngày càng được đầu tư quy mô, bài bản và chuyên nghiệp
 
Hiện ngành Du lịch đang xây dựng Đề án phát triển Quảng Ninh thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế với tổng kinh phí thực hiện các dự án trọng tâm khoảng 432.825 tỷ đồng. Nguồn vốn này dự kiến sẽ đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, bến cảng, cơ sở vật chất du lịch cao cấp tại các đảo, đáp ứng yêu cầu trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Cùng với đó, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, biến khu vực vịnh Cửa Lục trở thành "Vịnh Sydney bên bờ Vịnh Hạ Long". Đề án cũng định hướng phát triển TP Móng Cái trở thành thành phố giải trí và sự kiện với thương hiệu “Kinh đô ánh sáng vùng biên”; xây dựng và ban hành cơ chế hỗ trợ mở các đường bay, kết nối hàng không quốc tế đến Vân Đồn…
 
Không chỉ ở cấp tỉnh, các địa phương cũng nhanh chóng hoàn thiện các Đề án phát triển du lịch, thu hút đầu tư để xây dựng thương hiệu du lịch 4 mùa. Điển hình, TX Đông Triều đặt ra mục tiêu trước hết là thu hút các nhà đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; hệ thống các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô lớn; hệ thống các khu vui chơi giải trí đồng bộ, hiện đại, chất lượng để phục vụ nhiều đối tượng khách. Theo đó, các danh mục dự án ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch như: Nâng cấp hạ tầng giao thông từ trung tâm thị xã đến các điểm du lịch; làm đường trekking cho người đi bộ và xe đạp địa hình; xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống nước thải. Cùng với đó, xây dựng hạ tầng giao thông và cảnh quan, các dự án du lịch được phê duyệt trong Quy hoạch của tỉnh; hình thành và công bố các tour du lịch nội thị mới, các tour du lịch kết nối với các khu du lịch liên vùng; đầu tư hệ thống xe điện chuyên chở du khách tham quan các tuyến điểm du lịch trong thị xã…
 
TP Hạ Long cũng đã tập trung rà soát, thúc đẩy, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, khai thác hiệu quả hạ tầng du lịch sẵn có, các loại hình du lịch có thế mạnh, như du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hạ Long, cho biết: Để thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm, thành phố sẽ triển khai các chuỗi liên kết du lịch trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của các dự án mới, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh cho du khách. Đặc biệt, tổ chức thành công các chương trình, lễ hội, sự kiện điểm nhấn trong mùa du lịch thấp điểm, như Carnaval mùa đông, kinh tế đêm tại Tuần Châu, Bãi Cháy và một số khu vực đủ điều kiện...
 
Hoàng Quỳnh
Báo Quảng Ninh Điện tử - baoquangninh.vn