logo
title

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Kon Tum

Cập nhật ngày: 05/09/2024
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã tổ chức khảo sát, rà soát, thống kê và đánh giá hiện trạng toàn bộ các khu, điểm du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố. Trên cơ sở đó có giải pháp đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch giàu tiềm năng để tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
 
Trình diễn cồng chiêng, xoang thu hút đông đảo du khách tìm đến khám phá
 
Bám sát tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 16 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kon Tum tiếp tục hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm kích cầu, tạo đà cho ngành du lịch tăng trưởng và phát triển bền vững.
 
Tạo nhiều điểm nhấn thu hút du khách
 
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh Kon Tum đạt hơn 1,56 triệu lượt người với tổng doanh thu đạt 427 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện cấp phép cho 6 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp 28 thẻ hướng dẫn viên du lịch. Để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong những tháng cuối năm, nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực khắc phục các khó khăn, triển khai nhiều hoạt động nhằm quảng bá, thu hút du khách.
 
Anh A Phong, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ quản lý du lịch cộng đồng thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà chia sẻ: Thôn Kon Trang Long Loi được huyện Đăk Hà đầu tư cơ sở vật chất để phát triển du lịch. Nơi đây có nhiều cảnh đẹp hữu tình, không khí trong lành, lại lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cho nên rất thu hút du khách. Khách du lịch đến với thôn chủ yếu là khách trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Phần lớn du khách thường chọn hình thức du lịch tự túc, họ đi cùng với gia đình và tham gia một số tour dã ngoại trong thời gian ngắn.
 
“Tuy thời gian qua còn một số khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa đồng bộ, đường sá có nơi chưa thuận lợi, nhưng chúng tôi luôn quan tâm giữ gìn những giá trị thiên nhiên, những nét văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch. Chúng tôi thường xuyên vận động người dân tích cực học hỏi các kiến thức làm du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh để tạo ấn tượng với du khách khi đến với Kon Trang Long Loi”, anh A Phong nhấn mạnh.
 
Bên cạnh 13 điểm, khu du lịch cấp tỉnh đã được công nhận, đối với các khu, điểm du lịch tiềm năng khác, tỉnh Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh việc quy hoạch, xây dựng khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; tổ chức khảo sát, thống kê và đánh giá hiện trạng toàn bộ các khu, điểm du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, từng bước huy động nguồn lực đầu tư hiệu quả như: Điểm du lịch Rừng đặc dụng Đăk Uy; Điểm du lịch lòng hồ Yaly; Điểm du lịch lòng hồ Plei Krông; Điểm du lịch suối nước nóng Đăk Tô và một số điểm đến khác tại thành phố Kon Tum, Khu du lịch sinh thái Măng Đen, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông Phạm Văn Thắng cho biết, thị trấn Măng Đen được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời để phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh hoạt động du lịch gắn với văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm phát huy kho tàng văn hóa truyền thống phong phú của đồng bào dân tộc thiểu số, được du khách đánh giá rất cao.
 
“Xác định du lịch là một ngành mũi nhọn, trọng tâm của huyện, cho nên chúng tôi xây dựng những tour du lịch tạo sự hấp dẫn như: Tour du lịch ngắm hoa sim, hoa mua, hoa ngũ sắc... kết hợp tham quan một số khu nông nghiệp công nghệ cao; Tour khám phá văn hóa ẩm thực Măng Đen, tìm hiểu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương; Tour thăm, khám phá, trải nghiệm cách trồng và thu hoạch sâm dây; Xây dựng chương trình gala, đêm văn nghệ vào các ngày thứ bảy và chủ nhật trong tuần...”, đồng chí Phạm Văn Thắng cho biết thêm.
 
Đẩy mạnh quảng bá du lịch
 
Để du lịch Kon Tum được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến, tại các sự kiện quan trọng trong và ngoài tỉnh, ngành du lịch tỉnh tích cực giới thiệu, quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch, bản sắc văn hóa đặc sắc, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch được đa dạng hóa, các ấn phẩm du lịch đa dạng, phong phú, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao hình ảnh du lịch địa phương.
 
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại có hơn 2,55 triệu lượt khách truy cập trang thông tin điện tử du lịch tỉnh, hơn 95.000 lượt khách truy cập các trang mạng xã hội ngành du lịch quản lý. Bên cạnh đó, đã liên kết website du lịch tỉnh với 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, cài đặt dịch vụ quảng cáo website; đẩy mạnh tuyên truyền qua ấn phẩm du lịch đa dạng về nội dung, hình thức với gần 17.000 bản ấn phẩm in các loại.
 
Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Kon Tum tiếp tục bám sát tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU để tạo động lực, thúc đẩy du lịch trên địa bàn phát triển. Trong đó chú trọng phát triển hạ tầng trạm thông tin, internet băng thông rộng, nhất là tại các khu vực phát triển du lịch trọng điểm như: Vùng du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông), Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy) và các khu, điểm du lịch định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại các huyện, thành phố.
 
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Bạch Thị Mân cho biết, công tác xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh từng bước được đa dạng hóa, các loại hình ấn phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch ngày càng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của du khách, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đồng thời tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ thông tin và hình ảnh du lịch của tỉnh Kon Tum.
 
Đẩy mạnh thực hiện quảng bá du lịch bằng hình thức trực quan trên banner tại trụ sở các cơ quan trên địa bàn; lắp đặt pano led quảng bá du lịch ngoài trời nhằm tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch tỉnh Kon Tum, các sản phẩm du lịch, OCOP, danh lam thắng cảnh, văn hóa và con người Kon Tum, cũng như các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và các sự kiện chính trị của tỉnh. Thống kê đến nay đã phát hơn 55 video, clip trên pano màn hình led; phối hợp Trung tâm Thông tin Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch thực hiện xây dựng clip quảng bá du lịch Kon Tum.
 
Nhằm quảng bá du lịch, tỉnh Kon Tum tích cực tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế như: Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội, Đà Nẵng; Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh-ITE HCMC; tham gia sự kiện du lịch thường niên Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Gian hàng xúc tiến du lịch tỉnh Kon Tum luôn được Ban tổ chức cũng như du khách đánh giá cao về công tác tổ chức, thiết kế, các hoạt động thông tin, xúc tiến, các hoạt động trải nghiệm mang đậm bản sắc văn hóa.
 
Tại các sự kiện, tỉnh Kon Tum tích cực giới thiệu, quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch, văn hóa đặc sắc, các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh, thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan và trải nghiệm. Hỗ trợ các đơn vị tham gia ký kết hơn 50 biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, đại lý, nhà phân phối, siêu thị trên cả nước.
 
Theo đồng chí Bạch Thị Mân, thời gian tới, Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đẩy mạnh kết nối các tour, thu hút khách du lịch tập trung vào thị trường trong nước, từng bước đẩy mạnh khai thác các thị trường khách quốc tế trong khu vực ASEAN và châu Âu, châu Úc, Đông Bắc Á, châu Mỹ; phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cơ sở du lịch, công ty lữ hành, xây dựng những gói sản phẩm du lịch kích cầu hấp dẫn về giá, chất lượng, đa dạng về loại hình, bảo đảm uy tín để tạo thương hiệu, thu hút hiệu quả du khách.
 
Bài và ảnh: Phúc Thắng 
Báo Nhân Dân điện tử - nhandan.vn