logo
title

Hải Phòng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể: Giữ gìn tinh túy của dân tộc

Cập nhật ngày: 05/09/2024
Hải Phòng là vùng đất miền cửa biển giàu bản sắc văn hóa, với đậm đặc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng được quan tâm, góp phần gìn giữ di sản "sống" trong dòng chảy đương đại, tạo cơ hội cho cộng đồng ý thức về bản sắc và sự kế tục hồn cốt văn hóa dân tộc, địa phương…
 
Hát Ca trù của người Việt trong chương trình Trình diễn văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh năm 2024. Ảnh: Đỗ Thu
 
 Gìn giữ bản sắc văn hóa
 
Tháng 7/2024, UBND quận Lê Chân phối hợp Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc tổ chức diễn đàn “Nữ tướng Lê Chân - Giá trị văn hoá lịch sử và động lực phát triển du lịch văn hoá tâm linh”. Chủ tịch UBND quận Lê Chân Nguyễn Hoàng Linh thông tin, quận hiện bảo tồn 18 di tích (trong đó có 9 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 8 di tích xếp hạng cấp thành phố). Bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng cả nước và thành phố, như: đình Hàng Kênh, chùa Dư Hàng, đình Dư Hàng, đình Niệm Nghĩa..., quận Lê Chân có các di tích gắn liền với Nữ tướng Lê Chân như đền Nghè, đình An Biên và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân. Đây được xem là những "tài nguyên" để phát triển du lịch văn hóa tâm linh và là điểm đến của nhiều du khách khi đến với thành phố Hải Phòng. Với chủ trương "khai thác và phát huy giá trị di sản trở thành nguồn lực phát triển", cùng với công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích, quận Lê Chân chú trọng phục dựng các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa truyền thống tại các di tích, tổ chức Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân hằng năm thu hút hàng vạn người dân, du khách tham quan và hòa mình vào các hoạt động của lễ hội. Bên cạnh đó, quận đẩy mạnh công tác đào tạo nghệ nhân thực hành di sản trong trường học, khu dân cư… Không riêng quận Lê Chân, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố có những chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, tạo tiếp nối thông qua hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội, nét văn hóa địa phương.
 
Cùng với nỗ lực của các địa phương, ngành văn hóa của thành phố luôn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, Trung tâm Văn hóa thành phố hằng năm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng như: Các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố, trình diễn văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh… Còn các đoàn nghệ thuật thành phố, như: Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, Đoàn Chèo Hải Phòng, Đoàn Cải lương Hải Phòng cũng tổ chức các Liên hoan Múa rối Hải Phòng mở rộng, Liên hoan Đờn ca tài tử Hải Phòng mở rộng, các hoạt động biểu diễn trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, các dịp lễ, Tết tại khu vực trung tâm thành phố, các di tích, góp phần tạo điểm nhấn sinh hoạt văn hóa - văn nghệ trên địa bàn thành phố; duy trì nếp thực hành di sản của các nghệ nhân ưu tú, cũng như nhiều nghệ nhân trẻ, tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn người dân, gợi nhớ về thành phố, con người Hải Phòng hào sảng và thăng hoa, cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi một thời.
 
Bảo tồn, phát huy các “di sản sống”
 
Qua kiểm kê di tích tại 11 quận, huyện với hơn 1 nghìn di sản văn hóa phi vật thể, toàn thành phố hiện có 11 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân (quận Lê Chân); Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (quận Đồ Sơn); Lễ hội Xa Mã - rước kiệu đình Hoàng Châu (huyện Cát Hải); Lễ hội Vật làng Vĩnh Khê, Lễ hội Bơi trải đền - chùa Ngọ Dương (huyện An Dương); Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo); Lễ hội Từ Lương Xâm (quận Hải An); Lễ hội Minh Thề (huyện Kiến Thuỵ); Lễ hội Ngũ Linh Từ (huyện Tiên Lãng); Hát Đúm (huyện Thủy Nguyên); Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước xã Nhân Hòa (huyện Vĩnh Bảo). Hải Phòng còn là một trong những địa phương có 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt) và di sản cần bảo vệ khẩn cấp (Nghệ thuật Ca trù). Thành phố là mọt trong số địa phương có nhiều nghệ nhân được Chủ tịch nước vinh danh, các nghệ nhân đang thực hành di sản văn hóa phi vật thể về trình diễn dân gian, diễn xướng dân gian (15 nghệ nhân). Để ghi nhận những cống hiến, đóng góp của các nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân ưu tú, những năm gần đây, mỗi khi Tết đến, Xuân về, thành phố tổ chức gặp mặt nhằm tôn vinh đóng góp của các nghệ nhân trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các địa phương gìn giữ, bảo tồn và thực hành các di sản văn hoá phi vật thể theo quy định, góp phần tăng mức hưởng thụ văn hóa trong nhân dân; đồng thời tổ chức thực hành, truyền dạy nhằm bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể này. Một số di sản có sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước để thực hiện truyền dạy (CLB Ca trù)…
 
Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hướng dẫn xây dựng hồ sơ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú để đề nghị UBND thành phố xem xét, trình cấp có thẩm quyền phong tặng danh hiệu, động viên các nghệ nhân có nhiều đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản… - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai khẳng định.
 
Hải Hậu
Báo Hải Phòng - baohaiphong.vn