Tỉnh Quảng Trị có bờ biển dài 75 km với ngư trường rộng hơn 9.000 km2, có trữ lượng hải sản dồi dào và có giá trị kinh tế cao. Vùng ven biển có điều kiện để phát triển cảng biển, các cơ sở công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản. Dọc bờ biển có nhiều bãi biển đẹp như Cửa Tùng, Gio Hải, Cửa Việt, Mỹ Thủy và đảo Cồn Cỏ đã trở thành các điểm du lịch biển, đảo thu hút du khách. Đặc biệt, đã hình thành Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển.
Thi công tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây tạo cơ hội thuận lợi để tỉnh Quảng Trị phát triển bền vững kinh tế biển - Ảnh: H.N.K
Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt đã xác định vùng ven biển là trọng điểm phát triển các đô thị; khu du lịch-dịch vụ tổng hợp kết nối với đảo Cồn Cỏ và các tổ hợp nuôi trồng, chế biến thủy sản hiện đại thân thiện với môi trường. Phát triển các tổ hợp công nghiệp sạch kết hợp với dịch vụ và đô thị, dân cư.
Duy trì, phục hồi và mở rộng dải rừng phòng hộ ven biển, phục hồi môi trường vùng rừng sinh thái vùng cát. Phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành khu kinh tế biển tổng hợp, trọng tâm là công nghiệp năng lượng, công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế ven biển, logistics.
Đối với các hành lang phát triển, trọng tâm là khu công nghiệp khí, công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế cảng biển, dịch vụ logistics; đô thị du lịch sinh thái biển và sinh thái vùng cát ven biển gắn với phục hồi hệ sinh thái.
Về du lịch, quy hoạch đặt mục tiêu phát huy lợi thế về biển, đảo, sinh thái, văn hóa, tín ngưỡng...và kết nối liên vùng trong hệ thống du lịch di sản miền Trung, cùng các hành lang kinh tế quốc gia, quốc tế; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo mà trọng tâm là phát triển tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng tại khu vực ven biển.
Để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh Quảng Trị đã bổ sung quy hoạch các đô thị ven biển; chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch, các chính sách về kinh tế biển theo hướng liên kết, phát triển bền vững. Xây dựng đồng bộ các chiến lược, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển, đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận.
Tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp ven biển của tỉnh thành khu vực phát triển năng động, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trong đó lấy Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân, phát triển công nghiệp đa ngành. Đầu tư hệ thống cảng biển và phát triển dịch vụ vận tải biển. Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy, nâng cấp cảng Cửa Việt để khai thác lợi thế dịch vụ cảng, vận tải biển và các dịch vụ liên quan. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa đóng tàu và công nghiệp phụ trợ...
Tỉnh Quảng Trị hiện có 2.286 tàu thuyền cơ giới với tổng công suất trên 140.000 CV, trong đó có 192 tàu xa bờ; sản lượng đánh bắt năm 2023 đạt 27.640 tấn. Ngành thủy sản ven biển chuyển mạnh từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.
Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất cao, đánh bắt xa bờ. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, các bến cá, khu neo đậu tàu thuyền và tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa họccông nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, đảo trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của kinh tế biển. Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp vùng ven biển Cửa Việt, Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển địa phương trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch trên Hành lang kinh tế Đông - Tây để Quảng Trị trở thành điểm đến hấp dẫn trong và ngoài nước.
Không chỉ sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại, biển Quảng Trị có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi và các mỏ khí Kèn Bầu, Báo Vàng cách bờ biển Quảng Trị dưới 120 km, là cơ sở để phát triển công nghiệp khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tiền đề quan trọng, thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế biển ở địa phương.
Bên cạnh hai khu vực trọng điểm là Cửa Việt, Cửa Tùng, hiện ở khu vực ven biển các xã Triệu An, Triệu Vân (huyện Triệu Phong) và Hải An, Hải Dương (huyện Hải Lăng) cũng đang hình thành các vùng kinh tế biển. Đặc biệt, Quảng Trị đang tập trung xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy và Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng.
Nếu cảng nước sâu Mỹ Thủy và Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng hình thành sẽ là trụ cột kinh tế cho khu đô thị ven biển kéo dài từ Triệu Phong đến Hải Lăng, tạo tiền đề hình thành nên hành lang kinh tế biển đa lĩnh vực, đa ngành như: du lịch nghỉ dưỡng, khai thác, chế biến hải sản, công nghiệp điện khí, dịch vụ logistics và cảng biển.
Ngoài ra, tại khu ven biển tỉnh Quảng Trị còn là nơi có nhiều lợi thế để khai thác cảng vận tải hàng hóa như: cảng Cửa Việt, cảng cá Cửa Tùng, cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt, cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Bắc Cửa Việt, khu neo đậu tránh trú bão đảo Cồn Cỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, trong quy hoạch xây dựng khu vực ven biển của tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định khu vực trung tâm là 2 huyện Gio Linh và Triệu Phong mà hạt nhân là đô thị Cửa Việt. Khu vực phía Nam huyện Hải Lăng hạt nhân là 2 xã Hải An và Hải Dương thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Theo đó, tỉnh tập trung huy động và xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế ven biển; ưu tiên phát triển hệ thống các trung tâm đô thị, đặc biệt là tại khu vực thị trấn Cửa Việt, Cửa Tùng và tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây trở thành chuỗi giao thông trọng yếu ven biển. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí biển đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU, ngày 24/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với quyết tâm trở thành địa phương giàu mạnh về biển, giữ vững quốc phòngan ninh, chủ quyền quốc gia.
Hồ Nguyên Kha