logo
title

Di tích lịch sử - văn hóa ở Bạc Liêu:​ “Mỏ vàng” của công nghiệp văn hóa

Cập nhật ngày: 11/09/2024
Trong số những tiềm năng du lịch hiện có, Bạc Liêu cũng có thế mạnh riêng về lĩnh vực du lịch văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa, bắt kịp xu hướng của cả nước. Và các di tích lịch sử - văn hóa chính là “mỏ vàng” nếu được khai thác bài bản hơn nữa.
Nguồn tài nguyên quý
 
Một trong những “mỏ vàng” ấy là Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) - một trong 3 di tích của cả nước vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long ký Quyết định 694 xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 15) năm 2024. Đây là công trình kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam Bộ.
 
Với 40 di tích cấp tỉnh, 13 di tích cấp quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt…, đây có thể xem là lợi thế để Bạc Liêu khai thác theo hướng phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch - một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Và cũng là một trong những nội dung của chủ trương phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên phạm vi cả nước hiện nay.
 
Hệ thống di tích lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Bạc Liêu, cũng là minh chứng cho nền văn hóa 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa ở nơi này. Nhận diện đây là nguồn tài nguyên du lịch của địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị đã được chú trọng.
 
Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách nhà nước và địa phương, nhiều di tích đã được đầu tư kinh phí tu bổ khá hoàn chỉnh như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đình Tân Long (huyện Vĩnh Lợi), Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Đồng hồ đá Thái Dương (TP. Bạc Liêu), Di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai), Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên (huyện Đông Hải), Khu căn cứ Cái Chanh (huyện Hồng Dân)… Ngoài ra, phải kể đến sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân cho hoạt động chống xuống cấp, tu bổ các di tích như: chùa Giác Hoa (huyện Vĩnh Lợi), Tiên sư cổ miếu, chùa Bang, chùa Xiêm Cán, Thiên Hậu cung (TP. Bạc Liêu)…
 
Bạc Liêu hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng và Khu căn cứ Cái Chanh. Trước xu hướng du lịch để tìm hiểu, khám phá các nền văn hóa, du lịch về nguồn tìm về lịch sử thì đây là nguồn tài nguyên quý để hấp dẫn du khách.
 
Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu ngày càng thu hút đông đảo khách đến tham quan. Ảnh: C.T
 
Bảo tồn gắn liền quảng bá
 
Để các di tích phát huy hết giá trị, thật sự đúng nghĩa là “mỏ vàng” cho du lịch thì công tác bảo tồn, trùng tu cần được xem là nhiệm vụ thường trực, bởi có những di tích ít nhiều vẫn còn trong tình trạng xuống cấp! Điển hình như Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng vừa được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nhưng hiện tại vẫn tồn tại tình trạng ngập nước ở khuôn viên của tháp mỗi khi mưa lớn. Đây là điểm trừ mà ngành chức năng đang lên phương án khắc phục gấp rút.
 
Rà soát hiện trạng, kịp thời đề xuất phương án, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn là điều cần kíp để phát huy nguồn tài nguyên du lịch từ các di tích lịch sử văn hóa. Một minh chứng thuyết phục là các di tích khi được đầu tư trùng tu đã phát huy giá trị dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhiều di tích đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch có sức hấp dẫn du khách như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, chùa Xiêm Cán, chùa Giác Hoa…
 
Để phát huy hơn nữa giá trị của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch, bên cạnh bảo tồn, trùng tu, thiết nghĩ cần chú trọng hơn nữa khâu quảng bá, giới thiệu rộng rãi các di tích dưới góc độ là tài nguyên du lịch cho du khách trong và ngoài nước thông qua mạng Internet, các hội chợ, hoạt động triển lãm, xúc tiến du lịch…
 
Bên cạnh đó, nên chú trọng tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và các thuyết minh viên tại các di tích để đạt yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, cách giao tiếp, ứng xử với khách. Hướng dẫn viên phải thổi hồn vào di tích bằng cảm hứng, bằng tính chuyên nghiệp của mình.
 
Các di tích có chiều hướng phát triển du lịch ở Bạc Liêu không hiếm. Giá trị bản thân mỗi di tích cũng đã sẵn có. Vấn đề là làm sao xây dựng được những câu chuyện kể hấp dẫn, có người dẫn chuyện cuốn hút, chú trọng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ rà soát để bảo vệ hiện trạng của di tích, nhất là những di tích cấp quốc gia… Khi ấy di tích mới thật sự trở thành “mỏ vàng” góp phần quan trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa nói chung và du lịch Bạc Liêu nói riêng.
 
Chỉ thị 30 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành ngày 29/8/2024, có nhấn mạnh: “Phải có tư duy sắc bén, biết lựa chọn tinh hoa, tạo đột phá phát triển công nghiệp văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải bảo đảm khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng…”.
Cẩm Thúy
Báo Bạc Liêu Online - baobaclieu.vn