logo
title

Điểm nhấn không gian văn hóa Hải Phòng

Cập nhật ngày: 27/09/2024
“Tôi thích ở Việt Nam bởi mỗi khi bước chân ra khỏi nhà đã có thể nhìn thấy nhiều người. Tôi thích cuộc sống đông đúc và đầm ấm nơi đây…”, một người Australia sang Việt Nam làm nhiều công việc ở quán bar, rạp chiếu phim cho hay. Việc phát triển các tuyến phố đi bộ thời gian gần đây cho thấy nỗ lực của các quận trung tâm trong bảo tồn, phát huy giá trị các yếu tố đặc trưng văn hóa bản địa…
 
Người dân thưởng thức các chương trình nghệ thuật ở phố đi bộ Quang Trung. Ảnh: Hoàng Tùng
 
 “Điểm hẹn” văn hóa, ẩm thực
 
Những ngày đầu Thu, trong không khí rạo rực đón Quốc khánh, hàng nghìn người dân và du khách hồ hởi đổ về Dải trung tâm thành phố Hải Phòng để trải nghiệm tuyến phố đi bộ Quang Trung trên địa bàn phường Phan Bội Châu (quận Hồng Bàng). Đây là tuyến phố đi bộ và phát triển kinh tế ban đêm đầu tiên của quận Hồng Bàng. Trong không gian khoáng đạt dưới những bóng phượng cổ thụ nghiêng mình soi bóng xuống hồ Tam Bạc, phố đi bộ có các khu vực dành cho hoạt động triển lãm, trò chơi dân gian, trưng bày tranh, ảnh, tem, đồ lưu niệm; khu vực thưởng thức đồ ăn, uống phục vụ du khách và các sân khấu dọc tuyến phố dành để tổ chức các hoạt động văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật... Chị Lê Mai Hương, ở phố Lạch Tray (quận Ngô Quyền) dắt theo 2 con nhỏ háo hức trải nghiệm không khí tấp nập của tuyến phố, cũng như dừng chân thưởng thức những món đồ ăn, thức uống góp phần tạo nên thương hiệu ẩm thực thành phố Cảng được bày bán tại đây. Chị bày tỏ, sinh ra và lớn lên trên thành phố Cảng, chị rất tự hào vì Hải Phòng có Dải trung tâm thành phố đẹp nhất cả nước. Khi biết quận Hồng Bàng tổ chức phố Quang Trung thành phố đi bộ, như nhiều người dân thành phố, chị mong muốn tuyến phố đi bộ này được tổ chức bài bản với nhiều hoạt động vui chơi, thư giãn, dịch vụ ăn uống phù hợp, trở thành không gian quảng bá hình ảnh về thành phố, “lá phổi xanh” tuyệt đẹp của Hải Phòng đến với bạn bè cả nước.
 
Dịp này, quận Ngô Quyền cũng công bố thí điểm tuyến phố văn hóa, ẩm thực tại phố Phùng Chí Kiên và tuyến đường phía sau TD Plaza nằm ở một trong những khu vực đẹp nhất của tuyến đường Lê Hồng Phong thuộc phường Đông Khê (quận Ngô Quyền). Với kỳ vọng giới thiệu hình ảnh quận Ngô Quyền nói riêng, thành phố Cảng nói chung đến với du khách, tuyến phố dự kiến quy tụ khoảng 30 gian hàng kinh doanh mặt hàng ẩm thực đường phố, thủ công mỹ nghệ, đặc sản vùng miền và các ngành nghề khác. Dọc tuyến phố bố trí 3 khu vực biểu diễn nghệ thuật trong khung giờ từ 20 đến 21 giờ. Vào tối thứ bảy hằng tuần sẽ diễn ra nhiều chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật sôi động của các câu lạc bộ như: nhảy hiện đại, khiêu vũ thể thao, giao lưu âm nhạc, biểu diễn nhạc cụ… Cùng với các quận trung tâm, tại các khu đô thị, “điểm đến” du lịch biển của thành phố cũng đang dần hình thành nên các phố đi bộ, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sắc thái văn hóa của cư dân vùng biển.
 
 “Sống chậm” để thụ hưởng văn hóa
 
Theo TS Nguyễn Ngọc Minh, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, với hệ thống di sản vật thể phong phú của khu vực trung tâm thành phố (kiến trúc Pháp cổ điển, phố người Hoa...), sự tích hợp những giá trị phi vật thể sẽ làm cảnh quan văn hóa đô thị Hải Phòng trở nên trọn vẹn. Du khách đến với Hải Phòng, cùng với du lịch trải nghiệm, có thể thăm và tìm hiểu về lịch sử những di tích lịch sử, những công trình kiến trúc đương đại, trải nghiệm văn hóa. Bên cạnh yếu tố ẩm thực đang rất nổi trội trong những năm gần đây, giá trị văn hóa phi vật thể của Hải Phòng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, như các môn nghệ thuật diễn xướng, các lễ hội dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian hay những hoạt động văn hóa cộng đồng… Những giá trị văn hóa này là kết tinh trí tuệ, văn hóa của người dân Hải Phòng qua nhiều thế hệ và cần được khai thác, tích hợp nhằm tạo nên một không gian văn hóa đô thị đặc sắc, phong phú.
 
Phố đi bộ không chỉ mang giá trị quy hoạch kiến trúc đô thị mà còn mang giá trị về văn hóa. Phố đi bộ vừa giúp gia tăng cơ hội phát triển thương mại du lịch, mặt khác góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa, cảnh quan kiến trúc, lịch sử... Đây có thể coi là một không gian công cộng đặc biệt phát huy những yếu tố đặc trưng của địa phương, những nơi có lịch sử văn hóa lâu đời nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về văn hóa của người dân và du khách, những hoạt động văn hóa được diễn ra rất nhiều tại các phố đi bộ.
 
Để quản lý văn hóa đối với các tuyến phố đi bộ, thiết nghĩ, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch cụ thể những hoạt động diễn ra trong không gian phố đi bộ, chính quyền các địa phương cần chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong không gian đi bộ; xây dựng lực lượng cán bộ quản lý có chuyên môn để thực hiện tốt công tác quản lý và giải quyết những bất cập; phát hiện, bồi dưỡng các hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng nhằm nâng cao chất lượng biểu diễn tại cơ sở. Cùng với đó, các phố đi bộ cũng cần có thêm những nét đặc trưng riêng về miền đất, con người địa phương, đất nước, như: hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các trò chơi dân gian để gìn giữ nét văn hóa truyền thống đặc trưng cho thế hệ trẻ nước ta và giới thiệu tới bạn bè trên thế giới về văn hóa Việt Nam...
 
Hải Hậu
Báo Hải Phòng - baohaiphong.vn