Trong những năm qua, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) đã triển khai phát triển kinh tế đêm trên địa bàn với nhiều khu phố đi bộ, phố ẩm thực, chương trình biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật.
Chương trình biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật tại phố đêm đi bộ Hoàng thành. Ảnh: Gia Huy
Festival năm 2023 và 2024 với chủ đề bốn mùa đã thu hút lượng lớn khán giả tham dự những sự kiện biểu diễn của nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Điều đó cho thấy, Huế đang hấp dẫn du khách và người dân địa phương trên nền tảng thế mạnh giàu bản sắc văn hóa của mình. Tuy nhiên, để Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn văn hóa và di sản, là động lực phát triển kinh tế xã hội quan trọng thì chúng ta cần xây dựng kịch bản: “Huế là kinh đô của các chương trình nghệ thuật giàu bản sắc văn hóa dân tộc”, các chương trình phải diễn ra liên tục, thường xuyên hơn.
Nhìn ra thế giới, Hoa Kỳ nổi tiếng về kinh tế đêm với hình ảnh các bảo tàng được mở vào đêm muộn và rất đông du khách. Phượng Hoàng Cổ trấn tại Trung Quốc thu hút 3.000 người xem hàng đêm với show diễn “Rạng rỡ Tương Tây”. Hội An cũng đã xây dựng được thương hiệu chương trình biểu diễn hàng đêm với “Ký ức Hội An”. Gần đây nhất, Đà Nẵng cũng đã tổ chức thành công nghệ thuật kết hợp giữa pháo hoa, ánh sáng, và nước với tên gọi cổ điển “Symphony of River - Bản giao hưởng bên sông”.
Điểm chung của các chương trình nghệ thuật thu hút công chúng đến xem rất đa dạng từ múa cổ truyển, múa hiện đại, âm nhạc cổ điển, âm nhạc hiện đại, kịch nói, xiếc… Sự khác biệt với biểu diễn truyền thống nằm ở chỗ các tiết mục được dàn dựng sáng tạo, ứng dụng công nghệ sân khấu, nội dung giàu tính nhân văn nên mang lại cho người xem cảm giác bất ngờ, thích thú và gợi mở tri thức mới. Như “Ký ức Hội An” là quá trình hình thành phát triển của khu phố cổ được kể qua giai điệu âm nhạc và điệu múa, dễ nghe, dễ ghi nhớ giúp khán giả hiểu hơn về con người Hội An.
Thành phố Huế vẫn cầu thị về việc thỏa mãn nhu cầu vui chơi về đêm cho khách du lịch, tạo hạnh phúc cho người dân địa phương, qua đó thúc đẩy kinh tế đêm, phát triển du lịch, phát huy lợi thế văn hóa lịch sử thì những sự kiện trên đã gợi mở một hướng đi phù hợp, khả thi cho chúng ta. Huế là nơi có nhiều câu chuyện hay để kể, như: 13 đời vua Triều Nguyễn, chuyện về Nam Phương Hoàng Hậu, chuyện tình Hàn Mặc Tử với cô thôn nữ Vỹ Dạ, tuổi trẻ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong căn “Gác Trịnh”…là những chất liệu quý để những nghệ sĩ ngày nay phô diễn.
Ca sĩ Hòa Minzy từng kể câu chuyện về Nam Phương Hoàng Hậu qua bài hát “Không thể cùng nhau suốt kiếp”, đã điện ảnh hóa chuyện tình giữa vị hoàng hậu cuối cùng và hoàng đế Bảo Đại đầy nước mắt. Câu chuyện được lột tả ngắn gọn chỉ vài phút nhưng người xem đã ghi nhớ được một phần lịch sử đẹp của hậu cung Triều Nguyễn. Bộ phim “Mắt biếc” từng gây sốt phòng vé, tạo cơn sốt check-in quán cà phê nhỏ nơi khu phố cổ Bao Vinh qua mối tình đầy lãng mạn của Ngạn và Hà Lan. Tôi tin rằng, với chất liệu vô giá là những câu chuyện về văn hóa lịch sử, con người Huế mang bản sắc trầm lắng, hoài niệm nhớ nhung sẽ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sân khấu đi vào lòng người.
Một chương trình biểu diễn thường xuyên vào ban đêm sẽ mang lại lợi ích đa chiều cho kinh tế - xã hội thành phố Huế. Du khách có nơi để thưởng thức, tìm hiểu về nguồn gốc văn hóa Huế. Người nghệ sĩ được tạo không gian thỏa sức sáng tạo, phô diễn tài năng. Văn hóa lịch sử, hình ảnh Kinh đô Huế được tái hiện sống động, lan tỏa ra thế giới. Từ đó, kinh tế đêm Huế có được bản sắc riêng, và đóng góp giá trị vật chất tinh thần trọn vẹn với những tài nguyên trân quý tổ tiên để lại.
Nguyễn Đoàn Quốc Anh
Báo Thừa Thiên Huế Online - baothuathienhue.vn