logo
title

Hà Nam: Kim Bảng xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật ngày: 22/10/2024
Những năm qua, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) còn chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Thực hiện Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 10/3/2021 của UBND huyện Kim Bảng về hỗ trợ xây mới, cải tạo sửa chữa nhà văn hóa thôn, tổ dân phố sau sáp nhập giai đoạn 2021- 2025, ngay từ đầu năm 2024, các xã, thị trấn của huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, nâng cấp các thiết chế văn hóa, trọng tâm là nhà văn hóa, sân thể thao thôn, tổ dân phố, đáp ứng tiêu chí đô thị văn minh, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương đã vận động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, các thiết chế văn hóa, đáp ứng yêu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân; 88 nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập được được sửa chữa để phát huy công năng sử dụng.
 
Trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, người dân Kim Bảng đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Theo đó, các cấp, ngành đã tích cực tham gia chỉnh trang cảnh quan, trồng hoa, cây xanh dọc tuyến đường liên xã, đường thôn, nhà văn hóa và các khu dân cư. Ý thức của người dân giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường ngày một nâng cao. Năm 2024, có 85/85 khu dân cư đăng ký khu dân cư tiên tiến. Trong đó, có 50 khu dân cư đăng ký khu dân cư văn hóa tiêu biểu xuất sắc.
 
 
Lễ khai hội Xuân Tam Chúc 2024.  Ảnh: Lê Dũng
 
Song song với đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, những năm qua, các địa phương trong huyện đã huy động hàng trăm tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch tại địa phương, Kim Bảng đã đầu tư nâng cấp các công trình: Quần thể danh lam thắng cảnh đền thờ Nữ tướng Lê Chân (xã Thanh Sơn); Quần thể danh lam thắng cảnh chùa Bà Đanh - núi Ngọc tại (xã Ngọc Sơn); quần thể di tích Bát Cảnh Sơn (xã Tượng Lĩnh)... Đồng thời đẩy mạnh việc phục dựng, duy trì tổ chức và phát huy hiệu quả các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Trúc, lễ hội chùa Bà Đanh, lễ hội đền thờ Nữ tướng Lê Chân. Đặc biệt, từ khi Khu Du lịch Tam Chúc đi vào hoạt động đã góp phần kết nối với nhiều trục, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, như trục du lịch Bái Đính - Tam Chúc - chùa Hương hình thành nên một trục du lịch trên bản đồ du lịch Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2024, Kim Bảng đón khoảng 2,2 triệu lượt khách du lịch, đây là tiềm năng, thế mạnh để Kim Bảng hướng đến phát triển ngành công nghiệp không khói.
 
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được huyện quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, các lễ hội diễn ra theo đúng quy định, phần lễ, phần hội được tổ chức hài hoà, chu đáo có tính giáo dục truyền thống cao. Nhiều địa phương duy trì được các trò chơi dân gian, tích cổ gắn với lễ hội như: Lễ hội chùa Tam Chúc, lễ hội chùa Bà Đanh, lễ hội đền Trúc, lễ hội đền Ba Dân, lễ hội làng Phương Lâm, lễ hội làng Điền Xá (Văn Xá), lễ hội làng Quyết Thành (thị trấn Quế) và Lễ hội truyền thống đền thờ Nữ tướng Lê Chân năm 2024... Các lễ hội trên địa bàn đều được tổ chức đúng theo quy định, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong giao tiếp với du khách đến tham quan, du lịch và chiêm bái.
 
Năm 2023, Hà Nam được vinh danh là "Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới", năm 2024 tiếp tục được vinh danh là "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á". Giải thưởng có sự đóng góp không nhỏ của du lịch, văn hóa Kim Bảng, góp phần khơi dậy niềm tự hào của người dân Kim Bảng về văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người nơi đây đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thành mục tiêu phát triển Kim Bảng trở thành thị xã vào năm 2025 theo đúng lộ trình đã đề ra.  
 
Thời gian tới, Kim Bảng tiếp tục đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, tập trung xây dựng môi trường văn hóa, con người văn hóa. Nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch liên kết vùng, tạo điều kiện kết nối Khu du lịch Tam Chúc với chùa Hương (Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình) và các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn huyện với các địa phương trong tỉnh.
 
Phạm Việt Anh
Báo Hà Nam điện tử - baohanam.com.vn