logo
title

Xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng: Nắm bắt xu hướng chuyển dịch của du khách

Cập nhật ngày: 06/11/2024
Năm 2025, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút hơn 10,5 triệu lượt khách lưu trú, tăng 6% so với năm 2024, trong đó khách quốc tế ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11%, khách nội địa ước đạt hơn 6,2 triệu lượt. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ sớm, ngành du lịch thành phố đã có kế hoạch, phương án xúc tiến, quảng bá tại các thị trường khách trọng tâm.
 
Các đối tác Hàn Quốc gặp gỡ, kết nối với doanh nghiệp tại một sự kiện du lịch MICE ở Đà Nẵng. Ảnh: Thu Hà
 
Đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến
 
Năm 2024, ngành du lịch thành phố đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, mang lại nhiều kết quả khả quan. Đối với thị trường nội địa và quốc tế, ngành du lịch thành phố phối hợp với hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp tham gia quảng bá du lịch Đà Nẵng tại nhiều chương trình, hội chợ du lịch; tham gia các đoàn công tác xúc tiến của thành phố; tổ chức hoạt động xúc tiến, tìm kiếm nguồn khách, kết nối doanh nghiệp tại các thị trường Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan…
 
Bên cạnh đó, ngành tổ chức các chương trình kích cầu du lịch với nhiều sản phẩm hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước, trong đó có chương trình thu hút khách Hàn Quốc quay trở lại Đà Nẵng... Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, khách nội địa vẫn là thị trường chính, chiếm 63,3% thị trường khách du lịch của thành phố. Khách nội địa đến Đà Nẵng chủ yếu từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long... Thời gian cao điểm du lịch nội địa chủ yếu vào kỳ nghỉ hè (tháng 6 - tháng 8), các dịp lễ (30/4, 01/5, 02/9, Tết Dương lịch) và dịp cuối tuần.
 
Khách quốc tế so với thời điểm năm 2019, tỷ lệ khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều giảm, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc giảm 8,5%, Trung Quốc giảm 13,6%. Bù đắp sự sụt giảm này là sự tăng trưởng của một số thị trường mới như Đài Loan (Trung Quốc) tăng 8,1%, Ấn Độ tăng 4,2%, Australia tăng 1,1%, Nga tăng 1,4%... 
 
Thực tế này cho thấy xu hướng dịch chuyển của một số thị trường khách truyền thống sang các điểm đến mới, đồng thời cũng thể hiện rõ hiệu quả chủ trương đa dạng hóa thị trường khách quốc tế với các nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm mở rộng thị trường, khôi phục phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp, tăng cường tổ chức lễ hội sự kiện thu hút khách và công tác truyền thông - quảng bá điểm đến Đà Nẵng của thành phố... nhằm duy trì và tăng trưởng lượng nguồn khách đến Đà Nẵng.
 
Gia tăng trải nghiệm văn hóa địa phương
 
Để thu hút khách đến Đà Nẵng trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Việt An Group Nguyễn Thanh Tâm cho rằng ngành du lịch thành phố, doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông, tăng cường quảng bá điểm đến du lịch Đà Nẵng trên các nền tảng số để thu hút khách trong và ngoài nước.
 
Cùng với đó cần tạo ra các sản phẩm, tour du du lịch độc đáo, gia tăng trải nghiệm văn hóa địa phương nhiều hơn cho khách, nhất là các thị trường khách quốc tế; cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng cho các doanh nghiệp nhỏ trong ngành du lịch; dự báo nguồn nhân lực và có các kế hoạch đào tạo để phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường trong tương lai; đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ tiện ích để nâng cao trải nghiệm của du khách. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường...
 
Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Huỳnh Thị Hương Lan, dự báo xu hướng truyền thông du lịch năm 2025 sẽ tập trung vào mạng xã hội và ứng dụng công nghệ AI (chat GPT) để tìm kiếm thông tin điểm đến; Metaverse và thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) để trải nghiệm chân thực hơn trong quảng bá điểm đến; sử dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng (KOLs, Influencer), nhà sáng tạo nội dung (Tiktoker), các sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch, âm nhạc, giải trí; kể những câu chuyện để quảng bá du lịch... Những xu hướng này sẽ giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và chọn điểm đến phù hợp với nhu cầu cá nhân...
 
Cơ cấu thị trường khách du lịch đến Đà Nẵng trong năm 2025 gồm: thị trường nội địa chiếm 60,2% và quốc tế chiếm 39,8 %. Do đó, bà Huỳnh Thị Hương Lan cho rằng để thu hút khách, ngành du lịch thành phố đã xây dựng kế hoạch truyền thông du lịch năm 2025 với mục đích triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông, xúc tiến thu hút du khách và tiếp tục định vị Đà Nẵng là điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á tập trung vào các nhóm sản phẩm chính như: du lịch lễ hội, sự kiện; du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch vui chơi giải trí, lễ hội, sự kiện, MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, khen thưởng); du lịch ẩm thực; du lịch ban đêm; du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa… Ngoài ra cần tập trung truyền thông về hình ảnh điểm đến Đà Nẵng an toàn, thân thiện, mến khách, bền vững, chất lượng cao.
 
Ngành du lịch thành phố tiếp tục quảng bá, truyền thông du lịch trên các kênh, mạng xã hội phù hợp với các thị trường như Facebook, Naver, Naver Blog (Hàn Quốc); kênh Douyin và Xiaohongshu (Trung Quốc); Instagram (Ấn Độ)... Ưu tiên thu hút các KOLs nổi tiếng trong nước và quốc tế quảng bá du lịch Đà Nẵng. Đồng thời cập nhật các tính năng mới trên Cổng thông tin du lịch, đồng bộ giao diện mới trên thiết bị di động và ứng dụng Danang Fantasticity.
 
Tích hợp thông tin với Bản đồ số ẩm thực, bổ sung các mục riêng về du lịch MICE, du lịch ẩm thực, y tế, du lịch cưới, golf,...; phát triển bản đồ VR360; nâng cấp chatbot du lịch tích hợp AI theo đặc thù thông tin địa phương; liên kết với các doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không trong nước và quốc tế, các trang đặt phòng trực tuyến (Booking.com, Agoda, Traveloka) tạo ra các chiến dịch du lịch và các gói du lịch ưu đãi dành cho từng thị trường khách du lịch…
 
Top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng hiện nay
- Hàn Quốc (chiếm tỷ lệ 41,3%)
- Đài Loan (Trung Quốc) (10,4%)
- Thái Lan (6,5%)
- Trung Quốc (6,4%)
- Ấn Độ (4,6%)
- Mỹ (4,4%)
- Nhật Bản (4,1%)
- Malaysia (2,8%)
- Australia (2,4%)
- Nga (1,7%).
Thu Hà
Báo Đà Nẵng Online