logo
title

Khai thác 'mỏ vàng' du lịch Thủ đô

Cập nhật ngày: 06/11/2024
Phố cổ Hà Nội có nhiều di sản giàu giá trị. Đây được cho là những “vỉa quặng” giàu tiềm năng khai thác đối với ngành du lịch Thủ đô.
 
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn giới thiệu không gian nghệ thuật tại đình Yên Thái - nơi thờ Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan
 
Mới đây, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội ra mắt tour trải nghiệm mang tên "Chuyện phố Hàng" tại ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây. Vở diễn thực cảnh “Chuyện phố Hàng” kể về phố nghề tại 36 phố phường Hà Nội. Câu chuyện đầu tiên là về một gia đình trung lưu ở Hà Nội những năm 1930 làm nghề thuốc truyền thống. Vở diễn thực cảnh này được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn đối với du lịch phố cổ, mang đến sự trải nghiệm mới mẻ cho du khách về không gian đêm ở trung tâm TP Hà Nội.
 
Phó trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, “Chuyện phố Hàng” nằm trong dự án xây dựng chuỗi hoạt động biểu diễn tại phố cổ Hà Nội nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản của khu phố cổ, góp phần vào việc phát triển công nghiệp văn hóa, tăng sức hút cho du lịch Thủ đô.
 
Hay tour du lịch “Chuyện đình trong phố”. Đây là dự án đánh thức các ngôi đình trong khu phố cổ Hà Nội bằng hoạt động đưa nghệ thuật vào triển lãm do quận Hoàn Kiếm phối hợp với nhóm nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn thực hiện, nhằm tạo sức sống cho các di sản, thúc đẩy việc phát huy giá trị di sản, hướng tới xây dựng Hoàn Kiếm là quận sáng tạo của Thủ đô. Dự án được thực hiện từ tháng 10/2023. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm và các nghệ sĩ đã triển khai tổ chức các hoạt động tại 7 di tích gồm: đình Nam Hương, đình Hà Vĩ, đình Tú Thị, đình Trung Yên, đình Yên Thái, đình Phả Trúc Lâm, Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Đình Nam Hương là nơi đầu tiên triển khai các hoạt động này.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, để giá trị lịch sử, văn hóa phố cổ Hà Nội được nâng tầm cũng như bảo tồn và phát huy, cơ quan quản lý văn học nghệ thuật cần tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh, ảnh về phố cổ; tổ chức các cuộc sáng tác văn học nghệ thuật về Hà Nội và phố cổ; khôi phục các nhà hát cổ trong lòng Hà Nội, kết hợp các tour du lịch với nghệ thuật biểu diễn tạo sức cuốn hút cho du khách trong và ngoài nước; hay những cuộc thi sưu tầm văn học dân gian về phố cổ...
 
Một số kiến trúc sư cho rằng, cần khai thác hiệu quả giá trị kiến trúc khu phố cổ như là một sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao; đề cao vai trò, lợi ích của người dân phố cổ, thường xuyên đánh giá các tác động của hoạt động du lịch đối với kiến trúc khu phố cổ, quy hoạch khu phố cổ Hà Nội thành khu phố du lịch đặc thù, độc đáo.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, cần phải có chiến lược truyền thông quảng bá những lợi thế, sản phẩm du lịch vào ban ngày và ban đêm, từ đó có kế hoạch kết nối các tuyến, điểm du lịch cho du khách. Còn Giám đốc Công ty Femor Nguyễn Quốc Tính gợi ý, cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn giữa đơn vị tổ chức và các đơn vị lữ hành, nhất là đơn vị chuyên khách quốc tế (Inbound). Có như vậy, “mỏ vàng” du lịch của Thủ đô mới được khai thác một cách hiệu quả.
 
Phạm Sỹ
Báo Đại Đoàn Kết - daidoanket.vn