Sau hai năm kể từ khi Nghị quyết 18-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao được ban hành, Lâm Đồng đã ghi dấu những bước tiến đáng kể trên con đường xây dựng một điểm đến ngày càng chất lượng, mặc dù còn đó những thách thức cần được giải quyết để du lịch Lâm Đồng thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, xứng tầm là điểm đến đẳng cấp trong lòng du khách.
Một góc ngoại ô thành phố sương mù Đà Lạt
Những dấu ấn đáng ghi nhận
Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp với 25 nội dung trọng tâm để phát triển du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt dựa trên nội lực, sức mạnh tổng hợp các ngành kinh tế và sự tham gia tích cực của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đầu tư, xây dựng, xúc tiến và kinh doanh du lịch với đa dạng loại hình, sản phẩm; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính đặc thù và lợi thế của tỉnh. Ưu tiên quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển các dự án du lịch có quy mô lớn; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm và thương hiệu trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đã tạo động lực mạnh mẽ cho ngành này phát triển trong thời gian qua và đạt mức tăng trưởng vượt bậc so với các lĩnh vực khác. Lượng khách du lịch đến Lâm Đồng tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, tăng đều qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân là 65,9%; lượng khách du lịch đăng ký lưu trú (tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ) tăng trưởng bình quân là 58,4%; khách quốc tế chiếm 5,8% tổng lượng khách qua lưu trú. Ngày lưu trú bình quân của khách đạt 2,4 ngày.
Các sản phẩm du lịch cũng ngày càng đa dạng, bên cạnh những địa điểm du lịch truyền thống, Lâm Đồng cũng không ngừng đổi mới, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, hình thành các điểm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm...
Để thúc đẩy du lịch phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch cũng được đầu tư nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Lâm Đồng cũng đã xây dựng các tuyến du lịch liên kết với các tỉnh, thành lân cận, tạo thành các hành trình du lịch hấp dẫn.
Các hoạt động xúc tiến du lịch cũng được quan tâm và triển khai ngày càng hiệu quả, thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" ngày càng được khẳng định và tạo dựng được uy tín trên thị trường.
Những thách thức còn tồn tại
Bên cạnh những thành công, Lâm Đồng vẫn còn một số hạn chế đó là sản phẩm du lịch vẫn chưa thật sự đặc sắc, trong đó có nhiều sản phẩm du lịch còn mang tính đồng nhất, chưa tạo được dấu ấn riêng.
Hạ tầng cao cấp còn hạn chế khi mà số lượng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường du lịch cao cấp. Số phòng đạt chuẩn cao cấp chỉ chiếm 12,1% (4.882 phòng) tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và chỉ mới có 36,8% tổng số phòng đạt chuẩn 1 - 5 sao trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Đình Đông (Báo Quân đội Nhân dân thường trú tại Lâm Đồng) chia sẻ: "Du lịch Đà Lạt đã có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là về dịch vụ so với trước đây nhưng vẫn chưa thật sự khai thác hết tiềm năng. Sản phẩm du lịch hiện còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn và ấn tượng để thu hút khách nên Lâm Đồng cần quan tâm để làm sao có những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của Lâm Đồng - Đà Lạt". Cùng chung quan điểm, ông Đặng Văn An, một cán bộ hưu trí cũng là một người con của mảnh đất Đà Lạt - Lâm Đồng, cho biết: "Du lịch Đà Lạt tuy có nhiều điểm du lịch mới ra đời để du khách đến tham quan, nhưng nhìn chung những điểm du lịch mới vẫn chủ yếu dựa vào thiên nhiên và khí hậu để kinh doanh chứ chưa có mô hình du lịch mới lạ, đầu tư bài bản. Nhìn ra một số tỉnh khác, thì Lâm Đồng có tiềm năng lớn nhưng chưa có nhiều công trình quy mô lớn để tạo được sức bật ngoài ưu đãi trời ban và khí hậu và thiên nhiên. Chúng ta cần có những sản phẩm và cách làm du lịch chuyên nghiệp, độc đáo hơn, hấp dẫn hơn để khẳng định và tạo dựng được uy tín du lịch chất lượng cao trên thị trường du lịch hết sức cạnh tranh như hiện nay".
Theo ý kiến của ông Ngô Anh Tuấn - Founder của Công ty Du lịch Đà Lạt Discovery, để khắc phục những hạn chế và phát triển du lịch bền vững, Lâm Đồng cần tập trung vào khuyến khích đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh của địa phương, tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho du khách. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú và điểm du lịch. Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành Du lịch. Cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư lớn vào các dự án du lịch trọng điểm.
Đặc biệt, Lâm Đồng là tỉnh miền núi Tây Nguyên có những địa danh du lịch vô cùng nổi tiếng và có nền văn hoá đa sắc tộc với 47 dân tộc anh em sinh sống hoà thuận. Vì vậy, cần tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. “Lâm Đồng có thể phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh của từng địa phương, ví dụ như hình thành du lịch vườn cây trái đặc sản chất lượng cao ở Bảo Lộc, Đạ Huoai; du lịch văn hóa dân tộc thiểu số ở Đơn Dương, Lạc Dương, Di Linh; xây dựng các tuyến du lịch chuyên đề như du lịch ẩm thực, du lịch mạo hiểm, vượt thác, khám phá, du lịch kiến trúc, đa dạng thiên nhiên ở Đà Lạt, Lạc Dương...”, ông Ngô Anh Tuấn chia sẻ.
Lâm Đồng đã và đang trên hành trình kiến tạo một "xứ sở du lịch đẳng cấp" mới, nơi du khách không chỉ được đắm mình và thoả mãn với thiên nhiên tươi đẹp mà còn được trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo, và những dịch vụ du lịch chất lượng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường và thu hút các nhà đầu tư chất lượng là những nhiệm vụ cấp bách. Chỉ khi giải quyết được những thách thức này, Lâm Đồng mới thực sự trở thành một điểm đến du lịch thật sự hấp dẫn và đẳng cấp.
Nguyễn Nghĩa