(TITC) - Trong cuộc sống xã hội đang ngày càng phát triển và hiện đại, vẫn còn nhiều làng nghề truyền thống không bị mai một với những sản phẩm độc đáo mang đậm giá trị văn hóa lịch sử Việt Nam.
1. Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội
Du khách đến làng lụa Vạn Phúc sẽ bị ấn tượng bởi phong cách điển hình của một ngôi làng cổ ở phía Bắc Việt Nam với cây đa, giếng nước, sân đình và những âm thanh của khung dệt ở khắp mọi nơi. Đi bộ trên con đường làng ở Vạn Phúc, du khách sẽ lạc vào thế giới của lụa với nhiều sản phẩm khác nhau như áo sơ mi, cà vạt, đồ thủ công, váy làm bằng lụa có sẵn trong làng.
Trong lịch sử của làng quê Việt Nam, lụa được coi là sản phẩm thủ công cực kỳ quý giá chỉ được sử dụng để may cho các thành viên Hoàng gia và quý tộc. Vẻ đẹp đặc biệt của lụa Vạn Phúc hay Hà Đông là nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ, bài hát và phim ảnh Việt Nam.
Vào thời nhà Nguyễn, lụa Vạn Phúc được đưa đến Hoàng thành Huế để làm trang phục cho các thành viên hoàng tộc. Giữa năm 1931 và 1932, lụa Vạn Phúc đã được trưng bày trong các triển lãm quốc tế lần đầu tiên ở Marseille, sau đó là Paris và được người Pháp ưa thích, đánh giá cao. Từ năm 1958 đến 1988, lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất khẩu sang thị trường Đông Âu và từ năm 1990, nó đã được biết đến rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.
2. Làng lụa Nha Xá, Hà Nam
Làng lụa Nha Xá tọa lạc tại xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, bên tả ngạn sông Hồng, giáp tỉnh Hưng Yên. Các sản phẩm tơ tằm của làng Nha Xá đã rất phổ biến từ những năm tháng lịch sử. Nếu đã biết tới loại lụa hàng đầu Vạn Phúc Hà Nội thì sản phẩm của làng lụa Nha Xá cũng nổi tiếng không kém với chất lượng và thiết kế tinh tế.
Máy dệt tại Làng lụa Nha Xá. Ảnh: TITC
Các sản phẩm lụa Nha Xá đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc và khẳng định được tên tuổi của mình trên thị trường lụa tơ tằm Hà Nội. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn to lớn trong sản xuất và tìm kiếm thị trường, dân làng đã nỗ lực rất nhiều để bảo tồn nghề thủ công truyền thống.
Nếu du khách đến thăm làng Nha Xá sẽ nghe thấy tiếng khung dệt từ các thợ thủ công và các sản phẩm lụa dệt được trưng bày. Đó đều là những đặc trưng cho nghề dệt truyền thống.
3. Làng lụa Tân Châu, An Giang
Làng buôn lụa Tân Châu nằm ở phía tây bắc của tỉnh An Giang, nơi đây có lịch sử lâu dài trong nghề chế biến tơ lụa. Công nghệ dệt lụa địa phương đã được kế thừa qua nhiều thế hệ.
Lụa Tân Châu nổi tiếng vì sự mềm mại, dẻo dai, bền lâu và khả năng thấm hút cao của chất liệu lụa tự nhiên. Quần áo làm từ lụa Tân Châu mang đến cho ngược mặc sự thoải mái, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Thực chất, nguyên liệu để làm lụa Tân Châu đều do người dân địa phương sản xuất. Họ trồng cây bụi cho tằm ăn để tạo ra tơ tằm, trồng cây mặc nưa để lấy quả làm thuốc nhuộm. Để tạo ra một mét lụa Tân Châu, các nhà sản xuất phải dành nhiều thời gian và lao động trong nhiều khâu khác nhau.
Bởi phải mất rất nhiều thời gian và cần nhiều lao động để làm lụa Tân Châu nên giá thành của nó rất cao. Trong khoảng những năm 60-70 của thế kỷ 20, loại sản phẩm này không phù hợp với nhu cầu hàng ngày của người dân và sau đó đã dần dần biến mất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do định hướng phát triển và xu hướng thời trang chung dẫn đến các sản phẩm chất lượng cao thể hiện nét văn hóa, thương hiệu lụa Tân Châu bắt đầu được khôi phục và trở lại vị trí xứng đáng.
Bên cạnh màu đen truyền thống của thuốc nhuộm tự nhiên từ quả mặc nưa, các nhà sản xuất lụa Tân Châu đã tìm ra kỹ thuật nhuộm khác để tạo ra các màu khác nhau, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng tốt hơn từng ngày.
4. Làng lụa Duy Xuyên, Hội An
Làng lụa Duy Xuyên còn gọi là Làng tơ lụa Hội An, tọa lạc tại thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam,Việt Nam. Ngôi làng với nghề dệt lụa truyền thống này đã có lịch sử hơn 300 năm, cho tới giờ vẫn được giữ nguyên vẹn với những công đoạn từ nuôi tằm đến dệt lụa.
Ảnh: Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam
Du khách đến Hội An, ghé làng lụa Duy Xuyên sẽ được tận mắt thấy các công đoạn chế biến tơ lụa khác nhau. Từ vườn dâu cũ, nơi nuôi tằm đến nơi dệt vải, dệt lụa từ sợi tơ trên khung dệt và thành phẩm thành áo hay những chiếc khăn đầy màu sắc.
Trên đường đến thăm làng lụa Hội An, du khách sẽ được khám phá, tìm hiểu và học hỏi những điều thú vị từ vườn ươm dệt lụa truyền thống Việt Nam. Qua đó, bạn không chỉ cảm thấy bị thu hút bởi vẻ đẹp lao động hăng say, ngưỡng mộ của những người thợ thủ công mà còn thêm trân trọng từng sản phẩm thủ công truyền thống.