logo
title

Văn hóa là điểm tựa cho du lịch Bình Thuận phát triển

Cập nhật ngày: 30/12/2024
(TITC) - Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế rất lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.
 
Đồi cát Mũi Né. Ảnh: TITC
 
Hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu của địa phương.
 
Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã và đang tập trung để phát triển kinh tế - xã hội với những thế mạnh của tỉnh đó là: kinh tế biển; du lịch; năng lượng; khai thác khoáng sản và nông - lâm nghiệp. Bên cạnh những ngành trên, công nghiệp văn hóa của tỉnh cũng có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Bình Thuận đã trở thành một vùng đất giàu truyền thống văn hóa với các lễ hội phong phú, đa dạng.
 
Các điểm đến hình thành nên sản phẩm du lịch văn hóa, tìm hiểu di tích, di sản văn hóa phi vật thể của Bình Thuận có thể kể đến như Trường Dục Thanh - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) từng dạy học, khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, tháp Chăm Pô Sah Inư, Vạn Thủy Tú, dinh Thầy Thím, chùa Cổ Thạch... Các lễ hội văn hóa đặc trưng mang tầm quốc gia như: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm, lễ hội Dinh Thầy Thím ở thị xã La Gi, lễ hội Nghinh Ông của cộng đồng người Hoa, thành phố Phan Thiết, lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú (Phan Thiết). 
 
Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có các làng nghề thủ công truyền thống như làm gốm Gọ, dệt thổ cẩm, đan lát, làm bánh tráng, sản xuất nước mắm. Đây còn là địa phương có nhiều món ăn đặc sắc gắn với đời sống người dân vùng biển, những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, đang ngày càng được nhiều du khách biết tới như lẩu thả, gỏi cá mai, chả cuốn cá trích, mực một nắng, bánh rế, các món ăn, nước uống được chế biến từ thanh long. Với những lợi thế này, văn hóa sẽ là điểm tựa cho du lịch Bình Thuận phát triển. 
 
Nhờ phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, giữ vững thương hiệu điểm đến từ thế mạnh biển, đảo và các sản phẩm gắn với bản sắc văn hóa của vùng đất Duyên hải Nam Trung Bộ, lượng du khách đến Bình Thuận tăng trưởng ổn định.
 
 
Suối Tiên - Mũi Né. Ảnh: TITC
 
Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Chính vì vậy trong giai đoạn mới để các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục quán triệt nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội và quảng bá văn hóa của địa phương. 
 
Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Phát triển thị trường theo hướng từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế. Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, tuyên truyền thường xuyên để tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.    
Trung tâm Thông tin du lịch