(TITC) - Công viên địa chất Lạng Sơn là nơi hội tụ của rất nhiều loại hình văn hóa đa sắc màu, không chỉ phản ánh sự tương tác giữa con người với thiên nhiên mà còn là sự giao lưu kinh tế - xã hội - văn hóa giữa các tộc người bản địa với cộng đồng dân cư các vùng đồng bằng, duyên hải.
Trình diễn Then tâm linh của người Tày. Ảnh: Phạm Quốc Dũng
Nghi lễ hát Then - đàn Tính
Hát then - đàn tính là nghệ thuật văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Trong đó, then là một loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo, là môi trường tổng hợp của các loại nghi thức, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật như trang trí, âm nhạc, múa, hát... Then được sử dụng trong các nghi lễ cúng để giải hạn, cầu mùa, cấp sắc, chữa bệnh... Nhắc đến hát then, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của cây đàn tính - nhạc cụ tạo nên sự độc đáo, khác biệt của những điệu then. Bên cạnh đó, đàn Tính cũng được sử dụng để đệm những điệu hát Then vào nhiều dịp trọng đại của làng, xã như: hội làng, hội lồng tồng… và có mặt trong tất cả những ngày vui như: ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, cầu an…
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, loại hình nghệ thuật hát then - đàn tính vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày, Nùng...
Tín ngưỡng thờ Mẫu
Thờ Mẫu là một tín ngưỡng có nguồn gốc dân gian, một tín ngưỡng bản địa; là loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt được tích hợp bởi ba lớp tục thờ: thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần, thờ Tam phủ - Tứ phủ. Tại mỗi địa phương, tín ngưỡng này cũng có sự tiếp thu, giao lưu với các tín ngưỡng dân gian bản địa khác, trong đó Lạng Sơn là điểm dừng chân thú vị của chuyến hành trình này và dần trở thành trung tâm thờ Mẫu lớn ở khu vực vùng núi phía Bắc.
Tại Lạng Sơn, song song với thờ Mẫu tại các đền, chùa thì người Tày, Nùng còn thờ cả mẹ Hoa (Mẻ Bjoóc), đây là nét đặc trưng khác biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn so với các vùng khác.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung cho nhau để cùng nhau tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, trong suốt tiến trình phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu còn tích tụ, hàm chứa nhiều giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn, lưu truyền và phát huy những tinh hoa văn hóa thuộc về bản sắc dân tộc độc đáo của Việt Nam.
Lễ hội Ná Nhèm
Được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng giêng âm lịch, là một sự kiện văn hóa đặc sắc ở vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. Lễ hội là nghi thức, nghi lễ thờ cúng Thành hoàng, đức thánh Cao Sơn Quý Minh, thờ đức vua Miêu Tĩnh và đức vua Cao Quyết, gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, trò chơi, trò diễn của người Tày, Nùng xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn.
Điểm đặc sắc của Lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt) với ý nghĩa ước mong sinh sôi nảy nở, “con đàn cháu đống”, “đông cửa đông nhà”.
Cùng với các hoạt động tín ngưỡng, trong lễ hội còn có rất nhiều trò diễn đặc sắc như đánh trận tập và tiến cống lễ vật, trò sĩ - nông - công - thương, ngư - tiều - canh - mục (kén dâu, kén rể) cùng nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, đánh cờ…
Lễ hội không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam mà còn thấm đượm tinh thần nhân văn sâu sắc. Năm 2015, Lễ hội Ná Nhèm được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh những nét văn hóa đặc sắc, Công viên địa chất Lạng Sơn còn được biết đến với các màn biểu diễn dân gian, trò chơi, phong tục tập quán và tri thức bản địa như: hát Sli, hát Lượn, các trò Phong Slu và múa sư tử mèo… được thể hiện qua trang phục truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa... và các bài thuốc Đông y của người Dao và các món ẩm thực của người Tày, Nùng.