logo
title

Dấu ấn từ phát triển du lịch cộng đồng tại Quảng Ngãi

Cập nhật ngày: 15/01/2025
Phát triển du lịch cộng đồng được xem là mô hình khá phù hợp để phát huy các giá trị di sản ở nhiều huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian qua, một số địa phương đã áp dụng mô hình này khá hiệu quả, làm thay đổi tư duy sinh kế cho người dân, từ tư duy chỉ làm để đủ trang trải cuộc sống sang tư duy làm giàu, có tích lũy theo hướng bền vững trên chính mảnh đất của mình.
 
Không gian Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình làng An Vĩnh, Lý Sơn
 
Du lịch biển đảo
 
Đảo Lý Sơn được người dân cả nước biết đến như một minh chứng về chủ quyền trên Biển Đông, bởi nơi đây qua nhiều thế kỷ, người dân đất đảo giữ vai trò tuyển chọn bình phu, thành lập đội Hoàng Sa - Bắc Hải, thực thi nhiệm vụ của triều đình nhà Nguyễn, giong thuyền tìm kiếm hải vật, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Đến nay, du khách đến tham quan đảo Lý Sơn nhiều hơn nhưng tại thời điểm khởi đầu phát triển du lịch thì cơ sở hạ tầng trên đảo vẫn chưa có để đáp ứng các yêu cầu dịch vụ của du khách và mô hình du lịch cộng đồng ra đời. Chính quyền các cấp đã hỗ trợ công tác tập huấn cho cộng đồng về các kỹ năng phục vụ khách du lịch từ ăn, ở, trải nghiệm văn hóa, mua bán đặc sản tại địa phương từ chính ngôi nhà của người dân đang ở... Từ đó, nhiều hộ gia đình đã tích cực đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng, với hàng trăm homestay ra đời đảm bảo yêu cầu của khách đến ăn, ở, tham quan, trải nghiệm đã tạo bước đột phá cho một hình thái sinh kế mới ở địa phương. Hơn hết, thông qua du lịch cộng đồng, các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy là sản phẩm du lịch để du khách tham quan.
 
Du khách đến đảo Lý Sơn mê hoặc bởi thắng cảnh Hang Câu, núi lửa cổ Giếng Tiền, Thới Lới như thể lạc vào bảo tàng tự nhiên của lớp vỏ trái đất cách đây hàng chục triệu năm. Hòn đảo thiêng này còn là bí ẩn của các rạn san hô chìm nổi, san hô cối xoay hóa thạch, của cổng Tò Vò trên cạn và dưới nước; bí ẩn của những phương thức canh tác độc đáo tạo nên một vương quốc tỏi. Đảo Lý Sơn còn có các lớp văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa cách đây khoảng 3.000 năm về trước, đến nay vẫn còn hiện diện tại các di chỉ khảo cổ Xóm Ốc, Suối Chình. Các giá trị di tích đình làng, lăng, miếu gắn với lễ hội truyền thống đua thuyền tứ linh, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được phát huy, trở thành hạt nhân du lịch biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi.
 
Hành trình tìm về cội nguồn các nền văn hóa cổ
 
Xuôi về phía Nam tỉnh Quảng Ngãi là vùng đất các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ cũng chính là bắt đầu hành trình tìm về cội nguồn các nền văn hóa cổ làm chúng ta liên tưởng đến một không gian xưa ẩn hiện dấu tích của các nền văn hóa rực rỡ. Kho chum Sa Huỳnh được phát hiện quanh đầm nước ngọt An Khê không chỉ giải mã việc cư dân Sa Huỳnh cổ sống chủ yếu bằng nghề nông và đi biển, còn có nền sản xuất hàng hóa, giao thương khá phát triển.
 
Bởi tận dụng được lợi thế miền di sản độc đáo này mà mô hình du lịch cộng đồng là cánh tay đắc lực để phát triển kinh tế - xã hội. Điểm nhấn mô hình du lịch cộng đồng ở phía Nam điển hình có làng Gò Cỏ, ngôi làng từ lâu đã bị ngủ quên đã được đánh thức. Không gian làng Gò Cỏ ẩn mình bên cạnh đầm An Khê thuộc Tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, với khoảng 83 hộ dân, dân số hơn 400 người sinh sống. Ngôi làng hội tụ đầy đủ các giá trị di sản địa chất gắn với bãi đá cổ, cánh đồng muối cổ; giá trị văn hóa, lịch sử từ Sa Huỳnh, Chămpa cho đến Đại Việt. Du khách đến làng sẽ được trải nghiệm ăn uống tại nhà dân, được trải nghiệm với dân làng, tham quan các di tích mà hướng dẫn viên là các người dân bản địa cho đến giao lưu sinh hoạt hát bài chòi, thưởng thức ẩm thực, được trải nghiệm nghề làm gốm cổ Sa Huỳnh, nghề làm muối... Điều đặc biệt, là lợi ích của họ được chia đều, họ chỉ cần làm tốt trách nhiệm của mình, nếu có khó khăn gì thì mọi người trong làng ngồi lại với nhau cùng bạn bạc để giải quyết bàn giải pháp hoạt động tốt nhất.
 
Về phía Bắc tỉnh bao gồm thành phố Quảng Ngãi và các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn. Từ trung tâm thành phố đi về hướng Đông Bắc theo đường Hoàng Sa không thể bỏ qua đệ nhất thắng cảnh Thiên Ấn Niêm Hà, để rồi nghiêng mình trước đền thờ Trương Đăng Quế, Trương Định, lặng người trước những di ảnh đau thương tại khu di tích thảm sát Sơn Mỹ, thăm di tích rừng dừa nước Tịnh Khê, cho đến tinh thần quật khởi làm nên chiến thắng Vạn Tường, chiến thắng Ba Gia; những bác sĩ, y tá kiên trung hy sinh tại địa đạo Đám Toái, cho đến thăm làng gốm Mỹ Thiện. Thoát ra khỏi những trang sử chiến tranh hào hùng, du khách được hòa mình trong dòng biển trong xanh bởi bãi biển Châu Tân, bãi biển Mỹ Khê xinh đẹp và nghe tiếng vọng của những con tàu đắm còn nằm trong vụng biển Dung Quất, Vũng Tàu nhớ về một thời giao thương trên con đường gốm sứ trên Biển Đông, mà minh chứng là làng cổ vật Gành Cả. Đứng chân trên thềm đá mài mòn, hay bên vách đá chơi vơi được kiến tạo do quá trình hoạt động núi lửa tạo nên những điểm địa chất lý thú như Gành Yến, Ba Làng An, Hòn Nhàn, Hòn Ông, Hòn Bà, Khe Hai.
 
Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng
 
Tận dụng lợi thế về những giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa, cách mạng ở vùng đất này nên chính quyền địa phương đã tổ chức cho người dân xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, tiêu biểu như làng “du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình” tại thôn Tư Cung. Khách đến du lịch tham quan khu chứng tích Sơn Mỹ, được kết nối với người dân bản địa để gặp gỡ những nạn nhân sống sót và trải nghiệm cuộc sống làng quê bình yên để càng thêm yêu nền độc lập, nêu cao tinh thần trách nhiệm với quê hương, đất nước.
 
Tiếp đến là làng du lịch rừng dừa nước Tịnh Khê ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê. Địa phương xây dựng hợp tác xã du lịch, để tiếp chân du khách trải nghiệm chèo xuồng giữa rừng dừa bạt ngàn như lạc vào một “miền Tây” thu nhỏ. Du khách còn được trải nghiệm khoác lên mình những trang phục đồ bà ba, đồ bộ đội, khăn rằn, mũ dân quân du kích để chụp những ảnh đẹp, cho đến thưởng thức ẩm thực địa phương như gà nướng, rau ráng, tôm rang, cá ngát nấu chua… Thông qua du lịch cộng đồng, hợp tác xã và người dân còn được hỗ trợ phục hồi các nghề truyền thống bị lãng quên để phục vụ khách trải nghiệm như nghề bè rớ, nghề chằm áo tơi, nghề đan lá dừa… Đến nay, cộng đồng dân cư ở thôn Trường Định đã được biết đến bởi đã có một lượng du khách nhất định đến tham quan, là cơ sở phát triển sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
 
Ngược lên phía Tây tỉnh Quảng Ngãi là các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long. Nơi đây được ví là lục địa cổ đang tách giãn như thể đang còn vang vọng trong đại ngàn của núi rừng bao la. Đến vùng đất phía Tây, du khách có thể mạo hiểm khám phá đỉnh Cà Đam, nóc nhà Quảng Ngãi với độ cao trên 1.400m, được xem là ngọn núi Mẹ nơi có rừng thiêng, núi cấm của tộc người Cor nên vẫn còn giữ được sinh cảnh tự nhiên với những mảng rừng nguyên sinh, hệ động thực vật phong phú, nhiều loài quý hiếm.
 
Bởi các dãy núi trùng điệp mà vùng đất phía Tây sở hữu nhiều thác nước đẹp như thác Cao Muôn, Cà Đú, Trà Căng, Lũng Ồ, Lệ Trinh, Sa Van, Thác Trắng... Cửa nguồn Trà Bồng có Điện Trường Bà linh thiêng nơi gia thoa văn hóa Kinh, Cor, Hoa đã phù hộ mưa thuận gió hòa cho cộng đồng cư dân đất quế từ lâu đời. Hơn nữa, các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong bao đời gìn giữ những giá trị di sản văn hóa độc đáo như lễ hội ăn trâu, lễ mừng lúa mới, lễ cúng các bậc nhiên thần; các tri thức dân gian về canh tác lúa rẫy, đan lát mây tre, dệt thổ cẩm; các làn điệu dân gian calêu, cachoi, xà ru a giới, diễn tấu đấu chiêng… được bảo tồn và phát huy giá trị, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.
 
Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên lợi thế về tự nhiên, đặc trưng văn hóa, giúp nâng cao nhận thức người dân về việc bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị di sản và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng là hướng đi phù hợp. Hơn hết, người Quảng Ngãi đã biết tận dụng lợi thế lẫn thời cơ để tạo nên một đòn bẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững nhất theo đúng chủ trương mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. 
 
Võ Minh Tuấn
Báo Văn hóa - baovanhoa.vn