logo
title

Ninh Thuận: Du xuân cùng lễ hội văn hóa biển

Cập nhật ngày: 05/02/2025
Trong không khí vui tươi phấn khởi của những ngày đầu xuân, tại nhiều địa phương ven biển của Ninh Thuận, một số lễ hội truyền thống đặc sắc được tổ chức, không những có ý nghĩa về văn hóa tâm linh đối với bà con ngư dân mà còn góp phần động viên tinh thần, tạo không khí thi đua lao động sản xuất đầu năm mới.
Lễ hội đua thuyền rồng
 
Đua thuyền rồng là một trong những lễ hội truyền thống vào đầu xuân của người dân vùng biển hai xã Cà Ná và Phước Diêm (Thuận Nam). Hằng năm, cứ vào mùng 3 tết Nguyên đán, cư dân ở đây đều tổ chức hoạt động đua thuyền rồng mở lạch ra khơi đánh bắt đầu xuân, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.
 
Theo nghi thức lễ, từ sáng sớm, các thành viên trong Ban nghi lễ lăng Vạn Lạch Cà Ná và các bậc cao niên có uy tín trong làng sẽ tập trung về lăng Vạn Lạch để làm lễ thờ cúng vị thần Nam Hải. Vật phẩm gồm hương, đèn, hoa quả, phần nghi lễ được tổ chức trang nghiêm và biểu diễn múa lân sư rồng để dâng lên các vị thần. Ông Nguyễn Văn Giỏi, Trưởng Ban nghi lễ lăng Vạn Lạch Cà Ná cho biết: Lễ hội nhằm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền hiền và xin phép khai cửa lạch nhằm cầu mong các vị thần, biển mẹ độ trì cho mưa thuận gió hòa, biển êm sóng lặng, ngư dân xuất hành đầu năm với nhiều lộc biển, cá tôm đầy khoang, nguồn lợi hải sản dồi dào, mọi nhà đều có cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc trong năm mới.
 
 
Lễ hội Đua thuyền rồng truyền thống đầu xuân của người dân 2 xã: Cà Ná và Phước Diêm (Thuận Nam).
 
Sau phần lễ là đến hội đua thuyền rồng, đây là hoạt động đặc sắc, thu hút đông người dân và du khách đến tham quan, cổ vũ. Đúng 12 giờ trưa (giờ Ngọ), Ban hương lễ tiến hành cúng tại lễ đài đua thuyền rồng tại khu bãi biển bờ kè chắn sóng Lạc Tân 1 và đánh trống khai hội để các đội đua thuyền chèo ra biển hầu nghinh Ông. Cùng với đó, các hoạt động văn nghệ múa, hát sôi động sẽ được diễn ra, thu hút hàng nghìn người dân và du khách tụ hội về đây cổ vũ trước khi các đội thuyền thi đấu.
 
Ông Hàng Ngọc Sơn (65 tuổi) ở thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná cho biết: Năm nào cũng vậy, người dân ở đây ai cũng mong chờ lễ hội đua thuyền. Đặc biệt vào đầu năm mới, lễ hội mang đến không khí vui tươi, phấn khởi, từ đó góp phần làm cho đời sống văn hóa vùng biển thêm phong phú, sôi động mỗi khi Tết đến, xuân về. Đây còn là sân chơi để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và gián tiếp truyền dạy cho thế hệ con cháu các kỹ năng điều khiển phương tiện trên biển. Qua đó cùng nhau tiếp tục vươn khơi bám biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Lễ hội Cầu ngư
 
Lễ hội Cầu ngư (hay còn gọi là Lễ hội Nghinh Ông) là hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống của bà con ngư dân vùng biển. Nét văn hóa này đã bao trùm lên đời sống của cư dân miền biển từ bao đời nay. Tại Ninh Thuận, Lễ hội Cầu ngư được tổ chức định kỳ 3 năm một lần tại các làng biển: Mỹ Tân, Khánh Hội, Đông Hải, Sơn Hải, Cà Ná,... Mỗi địa phương sẽ có những nét riêng trong phong tục, nghi lễ cũng như thời điểm tổ chức. Thời gian tổ chức Lễ hội Cầu ngư thường rơi vào tháng 3, 5, 7 Âm lịch, kéo dài khoảng 3 ngày. Lễ vật cúng bái của người dân thường đơn giản nhưng phần nghi thức được tổ chức trang trọng.
 
Theo ông Nguyễn Khắc Thuận, Phó trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cầu ngư lăng Thần Nam Hải Mỹ Tân, ở xã Thanh Hải (Ninh Hải): Lễ hội Cầu ngư vừa mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, ngư dân ra khơi đánh bắt được thuận lợi, bình an, vừa để bày tỏ lòng tri ân của con người với biển cả, đã cho chúng ta nguồn sống ấm no. Lễ hội này hướng đến thờ Cá Ông, theo quan niệm của người dân chính là vị thần của biển cả, sẽ che chở và bảo vệ ngư dân bình an trở về sau mỗi chuyến đánh bắt.
 
Phần lễ gồm nhiều nghi lễ như: Lễ rước Ông dưới biển, cúng tế giao cảm với thần bằng văn tế, vật tế, hát bả trạo hầu Ông, múa siêu... Nội dung xoay quanh việc ca ngợi công đức cá Ông đã hộ trì cho người đi biển tránh được cuồng phong bão tố và bội thu. Trong những ngày diễn ra lễ hội, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: Bóng chuyền, nhảy bao bố, đẩy thúng, đua thuyền, bịt mắt bắt heo, bịt mắt đập nồi gọ,... mang đậm văn hóa vùng biển.
 
Có xem Lễ hội Cầu ngư mới thấy được vai trò của lễ hội đối với người dân miền biển. Lễ hội không chỉ là tín ngưỡng của ngư dân mà còn là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Đây là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi nhau hơn, đoàn kết, xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa. Đặc biệt hơn, những năm gần đây, Lễ hội Cầu ngư không còn gói gọn trong phạm vi cư dân tại địa phương mà thu hút nhiều người dân và du khách tham gia. Với những ý nghĩa tốt đẹp về mặt nhân văn cũng như vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân vùng biển, Lễ hội Cầu ngư đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2023.
 
Lễ hội Cầu ngư vừa mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, ngư dân ra khơi đánh bắt được thuận lợi, bình an, vừa để bày tỏ lòng tri ân của con người với biển cả, đã cho chúng ta nguồn sống ấm no...
Anh Thi
Báo Ninh Thuận - baoninhthuan.com.vn