logo
title

Kích cầu du lịch: Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp- nhà nước. Bài 1: Không có chuyện kích cầu “ảo”

Cập nhật ngày: 17/09/2013
Với hơn 400 doanh nghiệp, 45 địa phương cùng hàng nghìn khách hàng tham dự, Chương trình kích cầu 2013 đang góp phần làm “nóng” thị trường du lịch được đánh giá là trầm lắng trong những tháng đầu năm.

“Không có chuyện du lịch kích cầu ảo, giảm giá ảo” là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn về những thông tin không đúng trong quá trình  triển khai thực hiện Chương trình kích cầu du lịch 2013.

Được phát động lần đầu vào năm 2009, đến nay chương trình kích cầu của Tổng cục Du lịch đã qua mùa thứ 5. Tại thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi tiêu và hạn chế nhu cầu du lịch của người dân, thêm vào đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các điểm đến trong và ngoài nước, việc phát động chương trình kích cầu này là vô cùng cần thiết, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng ổn định.


Hàng nghìn khách du lịch đã nhận được giá vé ưu đãi đầu mùa kích cầu

Sau khi phát động, chương trình đã lập tức nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các hãng lữ hành, đơn vị vận chuyển, các ngành cung ứng dịch vụ khác.

Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) là một trong những đơn vị triển khai kích cầu sớm, bắt đầu từ ngày 1/4 đến 31/12. Theo chương trình, VNA áp dụng giá kích cầu dành cho các doanh nghiệp lữ hành tham gia chương trình với mức giảm 38%-52% tùy tuyến bay và hạng vé trên các đường bay TP.HCM đi Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang và Phú Quốc. 


Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) là một trong những đơn vị triển khai kích cầu sớm với chiến lược dài hạn

Điều đáng nói là sau hai tháng hợp tác với VNA để bán tour trọn gói giảm giá, nhóm doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình kích cầu 2013 (thuộc Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã bán được 4.588 khách, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chương trình đã giúp giá các tour du lịch nội địa thấp hơn nhiều so với giá các tour đi các nước Đông Nam Á, xóa nghịch lý "du lịch nước ngoài rẻ hơn du lịch nội địa" diễn ra nhiều năm qua.

Giá vé máy bay cũng chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 33% trong giá tour trọn gói, vì vậy các hãng lữ hành phải cắt bớt lãi ít nhất 8% vừa là để giảm giá sâu cạnh tranh hút khách, vừa để thực hiện cam kết với VNA. Theo ông Trần Thế Dũng- Phó trưởng nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa TP. Hồ Chí Minh: Thời gian sắp tới giá tour sẽ giảm sâu hơn nữa bởi có sự hưởng ứng từ rất nhiều đối tác khách sạn, vận chuyển, các điểm tham quan.

Việc triển khai biểu giá kích cầu của doanh nghiệp du lịch cũng được Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch và Vietnam Airlines bắt buộc thực hiện theo quy trình: làm đơn tham gia, đăng ký sản phẩm du lịch kèm bản giá tour cùng mức giảm. Ví dụ, nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa TP. Hồ Chí Minh trước đây gồm 20 đơn vị tham gia nhưng sau đó dựa vào năng lực, Vietnam Airlines cũng chỉ chọn 12 đơn vị làm đối tác. Bởi vậy với các doanh nghiệp lữ hành, nếu muốn nhận được ưu đãi và liên kết của các hãng hàng không cũng cần phải tuân theo quy tắc “làm thật”.

Cũng theo ông Trần Thế Dũng: “Chương trình kích cầu du lịch 2013 (có đăng ký trên trang web của Tổng cục Du lịch) đang có sự phối hợp ăn ý giữa các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng… và triển khai rất tốt. Hàng chục nghìn khách hàng đã mua được tour và dịch vụ du lịch giá rẻ hơn rất nhiều so với bình thường (cao nhất lên tới 50%) ở 45 tỉnh, thành trên cả nước nên chuyện “giảm giá ảo”, “kích cầu du lịch ảo” chỉ là nghi ngờ không chứng cứ”.



Cẩn trọng với những doanh nghiệp "tát nước theo mưa" tung chiêu kích cầu "ảo"

Tuy nhiên, hiện tượng một số doanh nghiệp lữ hành “tát nước theo mưa” tung ra các chương trình khuyến mãi ảo với nhiều chiêu trò khác nhau, như: đổi giờ bay để cắt bớt bữa ăn, đổi điểm tham quan, bán vé phụ thu… cũng đang khá phổ biến. Một số doanh nghiệp lữ hành còn đưa ra lý do “tôn trọng nhu cầu riêng của mỗi khách” rồi để khách… tự túc khám phá, hay tự ý thay đổi lịch trình du lịch để “ăn cắp” thời gian của khách.

Đáng lo hơn khi hiện tượng này lại có tính “ lan truyền”. Nghĩa là chỉ một vài doanh nghiệp bóc tách dịch vụ này, dịch vụ kia nhằm giảm giá “ảo”trọn gói, thì nhiều đối thủ lập tức làm theo. Và trong khi thị trường vẫn tồn tại nhiều hình thức du lịch giảm giá thì việc tung giá “ảo” này khiến khách du lịch rất khó để nhận biết đâu là giảm giá kích cầu thật.

Trước thực tế trên, giới doanh nghiệp lữ hành cho rằng, cùng với việc đưa ra chiến dịch kích cầu, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng phải tìm cách kiểm soát việc thực hiện chương trình một cách nhất quán, có chế tài và biện pháp xử phạt nặng đối với những đơn vị cố tình làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện và thực hiện không đúng cam kết, làm sao để du lịch có thể nói được và làm được chứ không chỉ… nói suông.

Đẩy mạnh kích cầu trên toàn quốc

Ngay sau khi phát động, ngành du lịch các địa phương trên cả nước đã nhanh chóng đẩy mạnh Chương trình kích cầu du lịch 2013.

Ở phía Bắc, Hải Phòng là thành phố đầu tiên hưởng ứng. Tiếp đến là các hội nghị liên kết kích cầu du lịch liên tiếp được tổ chức tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương.

Điển hình là nỗ lực “ Kéo khách đến nhà” của Sở VHTTDL Thành phố Hà Nội thời gian qua. Xác định rõ vị thế du lịch, tiềm năng du lịch cũng như những thách thức đối với ngành du lịch, Sở VHTTDL Hà Nội đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu, tập trung đẩy mạnh liên kết với các tỉnh lân cận và mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực. Trước mắt, ngành du lịch Hà Nội đang hợp tác với các thành phố thành viên Hội đồng Xúc tiến du lịch Châu Á (CPTA) xây dựng và vận hành sản phẩm One Asia Pass. Nghĩa là, nếu du khách chọn 2 thành phố thuộc CPTA trong chuyến hành trình thì sẽ được hưởng mức giá ưu đãi đặc biệt. 


Hà Nội trong nỗ lực " Kéo khách đến nhà"

Chương trình kích cầu du lịch tại các tỉnh phía Bắc tập trung vào các vấn đề chính: Thu hút khách du lịch quốc tế; Đẩy mạnh nhu cầu du lịch nội địa, nhất là trong dịp các ngày nghỉ, ngày lễ và các sự kiện của ngành du lịch được tổ chức trong năm; Quảng bá tại chỗ đối với khách quốc tế đã đến Việt Nam và nâng cao nhận thức của người dân địa phương; Phát động chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm; Phát triển sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; Xúc tiến quảng bá về chương trình kích cầu du lịch năm 2013…

Tại miền Trung, thành phố Đà Nẵng - điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế đã phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2013. Một hệ thống dịch vụ đồng bộ tại Đà Nẵng lần đầu tiên cùng nhập cuộc hưởng ứng hoạt động kích cầu du lịch năm 2013. Điển hình trong số đó là các đơn vị mới hoạt động phục vụ lưu trú, nhà hàng trên địa bàn rất ý thức trong việc liên kết phát triển du lịch nhằm thu hút khách nội địa và khách du lịch từ các thị trường trọng điểm, từ đó tăng doanh thu vào mùa thấp  điểm.

Năm đầu tiên chủ động tổ chức Chương trình kích cầu du lịch một cách tổng thể, Đà Nẵng đã ghi nhận sự nổi trội về các nội dung khuyến mãi kích cầu của các doanh nghiệp  bao gồm: các chương trình tour giảm giá từ 10-25%. Đặc biệt, các khách sạn đăng ký khuyến mãi kích cầu giảm giá từ 10-50% dịch vụ lưu trú, dịch vụ hội trường và các ưu đãi khác. Dự kiến, lượng khách du lịch trong thời gian diễn ra chương trình sẽ tăng từ 20% so với cùng kỳ năm trước. 



Đà Nẵng và Huế là hai điểm đến yêu thích của du khách khi đặt chân đến Dải đất miền Trung

Cùng với Đà Nẵng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa công bố chương trình kích cầu du lịch năm 2013 với sự tham gia của 24 doanh nghiệp và đơn vị: 3 công ty lữ hành, 18 khách sạn, 2 nhà hàng và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

Để kích cầu du lịch nội địa, nhiều địa phương tại các tỉnh phía Nam cũng triển khai các hoạt động nhằm tạo điểm nhấn với du khách. Cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình kích cầu du lịch tỉnh Đồng Nai năm 2013 và lễ ký kết phối hợp công tác giữa Sở và Hiệp hội Du lịch tỉnh.


Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm mới trong chương trình kích cầu du lịch

Một khu vực có vai trò quan trọng của du lịch Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm mới trong chương trình kích cầu du lịch của khu vực trong năm 2013. Gần đây, năm tỉnh ĐBSCL là: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu đã liên kết hợp tác với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch trong chương trình giới thiệu điểm đến chung với các sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng địa phương. Đây là một nỗ lực lớn của các địa phương và doanh nghiệp nhằm thu hút khách du lịch đến ĐBSCL, đối phó với thách thức là lượng khách du lịch sụt giảm từ đầu năm đến nay.

Mục tiêu của Chương trình Kích cầu du lịch năm 2013 nhằm thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa và tăng trưởng khách du lịch từ các thị trường trọng điểm, tăng thu nhập từ du lịch đóng góp vào ngân sách quốc gia; đón được 7,2 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa; góp phần tạo dựng Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và chất lượng đối với khách du lịch.

Nội dung chương trình kích cầu năm 2013 tập trung vào việc đẩy mạnh thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; đẩy mạnh du lịch nội địa nhân các ngày nghỉ, ngày lễ lớn của dân tộc; phát động chiến dịch quảng bá tại chỗ đối với khách quốc tế đã đến Việt Nam; phát động chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm…

 

Nguồn: cinet.gov.vn