logo
title

Quảng Nam: Làm mới thương hiệu du lịch ẩm thực

Cập nhật ngày: 28/12/2020
Ẩm thực đặc trưng xứ Quảng chứa đựng nhiều giá trị độc đáo hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên để tạo ra được một hệ thống sản phẩm tinh hoa cho ẩm thực từ đó nâng cao giá trị, vị thế của du lịch địa phương vẫn cần cải thiện nhiều điều.
 
Quảng Nam có nền văn hóa ẩm thực đa dạng nhưng cần cải thiện cách làm thương hiệu để gia tăng giá trị thu được. Ảnh: Q.T
 
Chưa đầu tư bài bản
 
Ẩm thực luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu của mỗi điểm đến du lịch mà du khách tò mò muốn khám phá, thưởng thức. Tại một hội thảo về phát triển du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Vietravel nhận định: “Ở các điểm đến du lịch chỉ cần sở hữu vài cửa hiệu ẩm thực hấp dẫn, uy tín là có thể giữ chân khách lâu thêm vài ngày”.
 
Ở Hội An, một số đặc sản từ lâu đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng du khách như cao lầu, cơm gà, bánh vạc, hoành thánh, xí mà, hến xào… Mặc dù vậy, ngoài vài cửa hiệu đã khẳng định được uy tín qua mấy chục năm gắn bó thì hệ thống ẩm thực tại phố Hội An ít chịu làm mới hoặc ngày càng có nhiều hàng quán với sản phẩm na ná nhau nhưng chất lượng không cao khiến giá trị gia tăng thu chưa được như kỳ vọng.
 
Ở hầu hết điểm đến khác trên địa bàn tỉnh, ẩm thực phục vụ du khách cũng là điểm yếu khó lòng níu chân khách khi họ đặt chân đến những nơi như Triêm Tây (Điện Bàn), Đại Bình (Nông Sơn), Tam Hải (Núi Thành)…
 
Bà Trịnh Diễm Vy - Chủ tịch Hội Đầu bếp Quảng Nam cho hay: “Bản thân tôi có nhiều năm làm trong ngành ẩm thực nhận thấy mảng ẩm thực phục vụ du lịch của địa phương không đa dạng. Chúng ta có đất nông nghiệp nhiều nhưng sản phẩm nông nghiệp nghèo nàn, ít sản phẩm mang tính chiến lược vì vậy cần phải khuyến khích phát triển ở mảng này từ đó tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ ẩm thực đẳng cấp cao”.
 
Một thực trạng đáng lo ngại khác tồn tại trong thời gian gần đây khi dịch Covid-19 tác động nặng nề khiến một bộ phận người dân Hội An mất việc phải chuyển sang buôn bán hàng rong. Theo đó, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với du khách cũng là vấn đề đáng quan tâm.
 
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Du lịch ẩm thực là một trong hai loại hình được địa phương ưu tiên thúc đẩy phát triển trong giai đoạn này. Do đó sắp tới, chúng tôi sẽ chấn chỉnh, sắp xếp lại và tích cực làm mới các sản phẩm ẩm thực phù hợp với đặc trưng địa phương để thu hút, đáp ứng được nhu cầu của cả khách nội địa lẫn khách quốc tế về dài hạn”.  
 
Tạo sự khác biệt và chế biến sâu
 
Bốn năm qua, Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An đã bước đầu khẳng định thương hiệu và lan tỏa được giá trị ẩm thực của địa phương theo từng chủ đề riêng và dư địa để phát triển mảng này vẫn rất rộng mở. Bà Trịnh Diễm Vy cho rằng, xu hướng du lịch sau dịch bệnh sẽ chú ý đến phát triển cân bằng hơn giữa con người, thiên nhiên, môi trường và sức khỏe.
 
“Tôi cho rằng vấn đề sức khỏe sẽ đi đầu trong những năm tới cho chiến lược phát triển du lịch. Các sản phẩm về sức khỏe cộng đồng cũng sẽ được chú trọng nhiều hơn để cân bằng môi trường, do đó cần quan tâm mạnh mẽ hơn cho nông nghiệp” - bà Trịnh Diễm Vy nói.
 
Đại diện Công ty CP Tập đoàn Haan chia sẻ, thời gian qua đơn vị luôn cố gắng theo đuổi sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững góp phần làm mới sản phẩm du lịch đưa vào “combo” tăng cường sức đề kháng, hướng đến sức khỏe của du khách. Vừa rồi, công ty đã phát triển được sản phẩm trà rừng Cù Lao Chàm lan tỏa thương hiệu rất tốt. Đồng thời giai đoạn năm 2021 - 2025 sẽ phát triển hàng nông sản, dược liệu tại Hội An trong đó chế biến sâu các sản phẩm như quất, bắp để hướng đến thức uống đặc trưng, đạt tiêu chuẩn.
 
Thời gian gần đây, một số đơn vị tại Hội An hình thành chuỗi nhà hàng không rác thải và bếp ăn không rác thải cũng là một tín hiệu khởi sắc trong việc làm mới sản phẩm ẩm thực tại địa phương để lan tỏa đến du khách.
 
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp tại Hội An đã khởi động và sẵn sàng hướng tới bữa ăn không rác thải. Sắp tới khi đón khách thì các đơn vị này sẽ ráp vào triển khai ngay và tùy theo tình hình thực tế sẽ điều chỉnh các dịch vụ phục vụ khách. Qua đó tiến tới tiết giảm tối đa phát thải ra bên ngoài khi ăn uống và đó cũng là hình thái thương hiệu ẩm thực cho ngành du lịch địa phương.
 
Quốc Tuấn
Báo Quảng Nam