logo
title

Nam Định: Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch bền vững

Cập nhật ngày: 10/06/2021
Tăng cường khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để hình thành nhiều tour, tuyến du lịch mới là một trong những giải pháp được ngành Du lịch Nam Định đẩy mạnh thực hiện nhằm góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Nam Định.
 
Nhà thờ Kiên Lao (Xuân Trường) là công trình tôn giáo có phong cách nghệ thuật kiến trúc độc đáo được nhiều du khách tìm đến tham quan (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).
 
Tháng 4/2021, chuyến hành trình khảo sát “Khai phá đất Sơn Nam” do CLB Du lịch bền vững V-Green và Hội Lữ hành Hà Nội phối hợp thực hiện với sự tham gia của hơn 40 đơn vị lữ hành và du khách nhằm khảo sát, đánh giá, trải nghiệm các sản phẩm du lịch ở Nam Định. Bên cạnh những điểm đến nổi tiếng ở thành phố Nam Định, đoàn đã tham quan những công trình kiến trúc tôn giáo tại một số huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng với nhiều nhà thờ lớn, đẹp, mang phong cách kiến trúc Gothic cổ điển của phương Tây như: Nhà thờ Hưng Nghĩa, Nhà thờ Phú Nhai, Nhà thờ Quần Liêu, Nhà thờ Kiên Lao, Nhà thờ Thánh Danh... Một trong những điểm đến được đánh giá có sức hấp dẫn cao trong chuyến hành trình khảo sát “Khai phá đất Sơn Nam” là phế tích Nhà thờ đổ Hải Lý (Hải Hậu) với vẻ đẹp cổ kính cùng vị trí đặc biệt bên bờ biển khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú. Tại đây du khách được thưởng thức những món hải sản chế biến theo phong cách địa phương. Chuyến hành trình khảo sát “Khai phá đất Sơn Nam” đã gắn kết phát triển du lịch giữa Hà Nội - Nam Định.
 
Theo đánh giá của đại diện các đơn vị lữ hành tham gia hành trình, Nam Định là vùng đất khoa bảng, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, sở hữu những bãi biển tiềm năng, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh có lợi thế gần với những thị trường khách lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... nên phù hợp với những tour du lịch ngắn ngày (2 ngày 1 đêm); các loại hình du lịch, đặc sản món ăn đã tạo được sức hút hấp dẫn du khách. Ngoài sự phát triển của loại hình du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng từ lâu nay như: Đền Trần, Phủ Dầy, Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo..., tỉnh Nam Định còn nhiều sản phẩm du lịch chưa được khai thác, phát huy hết giá trị, hiện vẫn đang cần sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, sự liên kết trong phát triển du lịch giữa các địa phương, đặc biệt là kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành tập trung vào những điểm đến cuốn hút những người thích “sống chậm” với các trải nghiệm, khám phá không gian văn hóa làng quê.
 
Toàn tỉnh hiện có 666 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch với 387 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, 249 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác, trong đó có 220 cơ sở dịch vụ ăn uống. Đẩy mạnh phát triển du lịch, thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong tỉnh đã tăng cường liên kết xây dựng, quảng cáo và tổ chức các chương trình cho khách du lịch nội địa, tạo được uy tín với khách hàng. Một số doanh nghiệp lữ hành lớn, lâu năm của tỉnh như Công ty CP Du lịch Nam Định, Công ty TNHH Du lịch Công đoàn Nam Định, Công ty CP Thương mại và Du lịch Thiên Ân… đã chủ động liên kết các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư du lịch trong nước khảo sát, tìm hiểu cơ hội, thực hiện các dự án phát triển du lịch; đặc biệt quan tâm đến các hình thức phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển của tỉnh. Một số doanh nghiệp cũng đã bước đầu đưa khách, chủ yếu là các đoàn học sinh, sinh viên đến các khu, điểm di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh. Mỗi năm các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ lữ hành tiếp nhận, tổ chức từ 100-200 đoàn du lịch trong nước và quốc tế; tích cực liên kết với các nhà hàng, khách sạn chất lượng đưa du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng các điểm du lịch trong tỉnh; doanh thu của mỗi doanh nghiệp lên tới hàng chục tỷ đồng. Khách sạn Nam Cường (thành phố Nam Định) là khách sạn đạt chuẩn 4 sao. Ngoài cung cấp dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn còn liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các chương trình văn hóa - nghệ thuật, lễ hội ẩm thực mang đậm dấu ấn địa phương như: Dạ tiệc “Tinh hoa nghệ thuật văn hóa truyền thống Nam Định” với các tiết mục múa trống hội, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát chầu văn, hát chèo; giới thiệu món ăn đặc sản truyền thống của các vùng quê trong tỉnh.
 
Với bờ biển dài 72km, tỉnh Nam Định có 2 khu du lịch nghỉ mát, tắm biển Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy) và các làng nghề khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản với phong tục, tập quán sinh hoạt đậm nét văn hóa của nền văn minh lúa nước sông Hồng có khả năng khai thác phát triển du lịch trải nghiệm. Để phát triển ngành du lịch biển, huyện Hải Hậu và huyện Giao Thủy xác định giai đoạn 2020-2025 tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng. Tăng cường mối liên kết giữa các điểm du lịch biển với các điểm du lịch khác thành các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm các di tích lịch sử  - văn hóa trên địa bàn trong quan hệ hợp tác liên vùng. Từng bước hình thành các tổ hợp đô thị - thương mại - du lịch - dịch vụ chất lượng cao, khu vui chơi giải trí, khách sạn, resort, sân golf... Hướng dẫn, hỗ trợ người dân sản xuất các sản phẩm phục vụ khách du lịch; tạo chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch, nhất là các sản phẩm hàng hóa du lịch từ tài nguyên biển, các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hiện tỉnh Nam Định có 2 nhóm hệ sinh thái chính là tự nhiên và nhân tạo với tổng số 6 hệ sinh thái khác nhau. Một số khu, điểm du lịch sinh thái đã được đầu tư xây dựng như: Vườn Quốc gia Xuân Thủy, điểm du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân (Giao Thủy), điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng nghề hoa, cây cảnh làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), điểm du lịch sinh thái cộng đồng Hải Hậu…; trong đó, Vườn Quốc gia Xuân Thủy có hệ sinh thái rừng ngập mặn Ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
 
Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, Ban quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư xây dựng các tour du lịch phù hợp từng đối tượng khách; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các đoàn tham quan như: bến thuyền, chòi quan sát, xuồng máy, nơi ăn, nghỉ; các tour du lịch hấp dẫn có thời gian từ 1 đến 3 ngày với các hoạt động: tắm biển, ẩm thực đồng quê, hải sản trên nhà giàn nuôi ngao giữa biển; đi tàu xuyên Vườn Quốc gia Xuân Thủy ngắm các loài chim di cư; du khảo đồng quê với tour xe đạp khoảng 5km; trải nghiệm du lịch văn hóa với nhiều hoạt động đặc sắc trong lễ hội truyền thống như: giao lưu văn nghệ, hát chèo, bơi chải, múa rồng, cà kheo…; tham quan Bảo tàng Đồng quê; tìm hiểu, trải nghiệm các làng nghề: làm mắm thủ công ở xã Giao Châu; làm muối ở xã Bạch Long; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở xã Giao Hải; đóng tàu biển tại thị trấn Quất Lâm.
 
Huyện Hải Hậu có nhiều điểm đến cuốn hút những người thích trải nghiệm cảm giác “sống chậm” khám phá không gian văn hóa làng quê. Năm 2018, Dự án du lịch Ecohost Hải Hậu do Công ty TNHH Thương mại và Du lịch sinh thái biển làm chủ đầu tư được triển khai với các hoạt động du lịch cộng đồng tại các làng nghề làm bánh nhãn Đông Cường, thị trấn Yên Định, sản xuất kèn đồng Phạm Pháo, xã Hải Minh; Nhà thờ đổ xã Hải Lý; trải nghiệm đan lưới, đánh bắt hải sản bằng cà kheo, xã Hải Triều; trải nghiệm làm muối xã Hải Chính… Đặc biệt, Dự án Ecohost Hải Hậu còn liên kết với các hộ sở hữu những ngôi nhà 3 gian Bắc Bộ hơn 100 năm tuổi tại khu vực phố cổ Đông Biên, thị trấn Yên Định gồm các nhà: Hoa Đại, Cây Chay, Hồng Cổ - những ngôi nhà cổ, có nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ, khuôn viên sân vườn rộng thoáng, nội thất tinh xảo như: sập gụ, tủ chè, bộ bàn trà cổ; cổng, tường bao có kiến trúc cổ sử dụng chất liệu tự nhiên như mây, tre, cói. Dự án còn hỗ trợ kinh phí trùng tu, tái tạo không gian cổ xưa, bổ sung các điều kiện nghỉ dưỡng chất lượng cao hướng đến đối tượng du khách nước ngoài.
 
Trong 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó ngành du lịch chịu những tác động rõ nét và sâu rộng nhất. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch bị tổn thất cả về lượng khách và doanh thu. Ngành Du lịch Nam Định vẫn đang tích cực phối hợp với các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Kết quả kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh năm 2020 giảm mạnh, chỉ bằng 51% so với năm 2019. Trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ngành Du lịch Nam Định tiếp tục tập trung khai thác các giá trị đặc thù về cảnh quan môi trường, lịch sử, văn hóa của các vùng quê để tạo thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, phát triển du lịch theo hướng sinh thái, gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe. Đẩy mạnh khuyến khích thu hút đầu tư liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong, ngoài tỉnh. Giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với mảnh đất, con người Nam Định./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Báo Nam Định