logo
title

Hà Giang: Hoàng Su Phì đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững

Cập nhật ngày: 27/08/2021
Chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với quy hoạch các vùng sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại; cơ cấu lại và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại theo hướng tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, nhằm cơ cấu lại kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững.
 
 
Vùng trồng đậu tương chuyên canh ở xã Chiến Phố
 
Trong giai đoạn 2015 - 2020, cấp ủy, chính quyền huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất cho nhân dân. Kinh tế từng bước chuyển dịch đúng hướng, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đẩy mạnh phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên. Tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp từng bước được nâng cao, chiếm 29,2% trong cơ cấu nông nghiệp. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại có bước phát triển; du lịch, dịch vụ có nhiều khởi sắc.
 
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng; quy mô kinh tế nhỏ, còn mang tính phụ thuộc; sản xuất manh mún, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa lớn. Các mô hình nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao của người dân còn ít; chưa xây dựng được những mô hình đột phá; kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ… Do đó, Đảng bộ huyện xác định, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cần tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.
 
Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng kết hợp tăng trưởng chiều rộng lẫn chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả chính là “chìa khóa” để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững được Đảng bộ huyện xác định. Với đặc thù là huyện miền núi, sản xuất nông nghiệp vẫn được xem là “trụ đỡ” chính trong cơ cấu kinh tế, do đó, huyện tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cao gắn với tập trung quy hoạch các vùng sản xuất theo chuỗi giá trị. 
 
Đến nay, huyện từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng để tạo thành hàng hóa như: Vùng chè Shan tuyết hữu cơ ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán, Hồ Thầu; vùng trồng cây ăn quả bản địa có giá trị kinh tế cao như Mận máu, lê ở các xã Thàng Tín, Chiến Phố, Pố Lồ, Đản Ván;  trồng Dưa hấu trên đất lúa 1 vụ ở các xã Nậm Dịch, Bản Luốc, Nam Sơn, Chiến Phố; trồng rau vụ Đông ở xã Thàng Tín; dược liệu ở các xã Nậm Ty, Hồ Thầu… Tuy nhiên, diện tích vẫn chưa thực sự lớn. Huyện cũng tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, đến nay, toàn huyện có 12 trang trại, trên 40 gia trại. Phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2025 đạt 32% trong cơ cấu nông nghiệp.
 
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với đẩy mạnh liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng là giải pháp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp địa phương. Hiện nay, Hoàng Su Phì đã có 2 sản phẩm đạt 5 sao, 19 sản phẩm đạt 3 - 4 sao cấp tỉnh. Song hành với phát triển các sản phẩm chủ lực, huyện tiếp tục tổ chức lại sản xuất cho nhân dân, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể theo nhóm sở thích, HTX, doanh nghiệp với định hướng sản xuất sản phẩm theo vùng, nâng cao tính cạnh tranh. Tăng cường ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn đúc. Thực hiện một số chương trình hỗ trợ đầu tư cải tiến, đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tại các cơ sở sản xuất, chế biến; phát triển liên kết giữa các đơn vị sản xuất với hộ, nhóm hộ, làng nghề, nhằm tạo ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thương mại…
 
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Thèn Ngọc Minh cho biết: Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời nhận rõ những khó khăn, thách thức, huyện xác định tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ và tái cơ cấu toàn diện ngành Nông nghiệp. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá cho phát triển; đi đôi với đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và du lịch; nỗ lực đạt mục tiêu đến năm 2025 Hoàng Su Phì không còn là huyện nghèo, từ năm 2030 trở đi thoát khỏi huyện 30a, trở thành huyện phát triển trung bình - khá trong tỉnh./.
 
Nguyễn Phương
Báo Hà Giang