logo
title

Vĩnh Phúc: Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích lịch sử xã Sơn Đông gắn với phát triển du lịch

Cập nhật ngày: 17/09/2021
Trên địa bàn xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) có nhiều di tích có giá trị văn hóa, lịch sử, trong đó, có cụm di tích đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, nhà giáo Đỗ Khắc Chung và chùa Am tạo nên quần thể kiến trúc tâm linh đặc biệt. Thời gian qua, tỉnh và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã quan tâm tu sửa, tôn tạo, từ đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích, tạo tiền đề cho phát triển du lịch của địa phương.
 
Đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch kết nối cùng nhiều di tích trên địa bàn, tạo thành quần thể du lịch tâm linh hấp dẫn
 
Hiện nay, trên địa bàn xã Sơn Đông có 18 di tích, trong đó, có 12 di tích được công nhận cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đặc biệt, cụm di tích cấp quốc gia đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, nhà giáo Đỗ Khắc Chung và chùa Am có vị trí khá gần nhau, kiến trúc cổ hài hòa, tạo thành nét đẹp văn hóa tâm linh.
 
Ngôi chùa Am được khởi dựng từ thời Lê, trùng tu vào thời Nguyễn, với kiến trúc cổ độc đáo kiểu chữ "Tam", gồm tam quan 3 gian 2 dĩ, tiền đường, thượng điện - 2 tòa, mỗi tòa 3 gian, khuôn viên bên ngoài thoáng đẹp… nằm sát đền thờ Trần Nguyên Hãn.
 
Chùa còn giữ được hàng chục cổ vật quý giá như pho tượng Tam thế, Quan âm tọa sơn, Thích ca niêm hoa, Quan thế âm đại thế chí, Quan âm thiên thủ thiên nhãn, A di đà, tòa cửu long, pho tượng La Hán, thánh tăng, đường tăng, cây hương đá…
 
Từ nguồn vốn xã hội hóa, chùa đã được trùng tu qua nhiều giai đoạn và gìn giữ được kiến trúc gốc khá nguyên vẹn, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho người dân địa phương cũng như điểm du lịch thu hút hàng vạn du khách thập phương mỗi năm.
 
Đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn là công trình có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc được xây dựng vào thời Hậu Lê. Di tích được gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn - vị tướng tài đức, có công giúp Lê Lợi đánh tan quân giặc, giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
 
Đền có cấu trúc theo kiểu chữ “Đinh”, xung quanh có tường bao bọc tạo nên một hình vuông chữ “Điền”, bên trong gồm các hạng mục nhà tiền tế, hậu cung và khuôn viên phía trước rộng rãi, nên thơ bởi cảnh quan núi rừng bao phủ. Cây di sản hàng trăm năm tuổi ngay phía cổng đền nhìn ra cũng là điểm nhấn tạo sự uy linh.
 
Phía bên trái cổng đền là phiến đá tướng Trần Nguyên Hãn từng mài gươm. Phiến đá nặng gần 2 tấn được người dân địa phương tìm thấy, trục vớt lên, chuyển về đền thờ để mọi người cùng chiêm ngưỡng những vết tích còn lưu giữ lại một thời lịch sử.
 
Trải qua thời gian, ngôi đền được tu bổ nhiều lần, mang đậm phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn, với những họa tiết trang trí đơn giản nhưng tinh tế, bắt mắt. Giai đoạn 2010 - 2013, UBND tỉnh, Sở VHTTDL đã cấp kinh phí trùng tu lại toàn bộ trong và ngoài khuôn viên ngôi đền, nâng cấp nền và bảo vệ cây di sản, quy hoạch xây dựng ao sen phía trước đền tạo không gian thư thái, hài hòa, phù hợp với lịch sử để lại.
 
Cùng kết nối với 2 di tích trên là ngôi đền thờ nhà giáo Đỗ Khắc Chung được xây dựng từ khoảng giữa thế kỷ XIV trên nền lớp học cũ mà nhà giáo dùng làm nơi dạy học cho nhiều thế hệ con em dân làng Quan Tử (người dân địa phương thường gọi là miếu cụ Đỗ).
 
Lớp học của cụ có dáng như ngọn bút lông, trước mặt có thế đất thấp như hình một nghiên mực. Từ khi cụ Đỗ về đây dạy, việc học hành phát đạt, khoa mục nối đời đỗ đạt nên gọi là làng Quan Tử. Dân làng lập miếu thờ cụ Đỗ như là vị thành hoàng làng.
 
Khoảng thế kỷ XVIII, do ân đức cụ Đỗ sâu rộng đã cảm hóa đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân trong vùng, người về tế lễ ngày một đông, nhân dân bỏ miếu cũ dựng tam quan, tiền tế, trung tế và hậu cung, tôn cao nền, sân được lát gạch khang trang, từ đó gọi là đền Đỗ Khắc Chung.
 
Đến năm 1929, đền được trùng tu, tôn tạo trong diện tích khoảng 600 m2 truyền lại đến ngày nay. Đền còn lưu giữ nhiều tư liệu hiện vật quý như bản thần phả (chữ Hán) do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572); bia đá (văn chỉ) tạo năm Tự Đức Mậu Dần (1878) ghi danh các bậc tiên hiền liệt vị, những người đỗ đạt ở làng Quan Tử; bản phả lục về sự tích Đỗ Khắc Chung.
 
Mặc dù ngôi đền đã được người dân tu sửa, nhưng trải qua năm tháng cùng với tác động của thiên nhiên, hiện đền bị xuống cấp nghiêm trọng, tường nhà, tường bao, khuôn viên bị rêu mốc, một số nơi bị bong tróc; hệ thống mái ngói bị sụt, thấm dột nhiều vị trí; hệ thống sân vườn, đường đi nội bộ trong di tích chưa được quy hoạch, cỏ dại còn mọc nhiều, không đảm bảo vệ sinh môi trường.
 
Để tạo thành cụm di tích đặc sắc, đồng bộ, tương xứng với giá trị lịch sử vốn có thì việc đầu tư, tu bổ đền Đỗ Khắc Chung là vấn đề cấp thiết cần sự vào cuộc của tỉnh, ngành Văn hóa và chính quyền địa phương.
 
Được biết, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo đền thờ Đỗ Khắc Chung theo Nghị quyết 71/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.
 
Mong rằng, thời gian tới, di tích này sớm được trùng tu để tạo thành bức tranh hoàn hảo về quần thể di tích xã Sơn Đông, Lập Thạch nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, góp phần kết nối tour du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh với các điểm du lịch khác trên địa bàn.
 
Bài, ảnh: Thu Thủy
Báo Vĩnh Phúc