logo
title

Lai Châu: Phát triển du lịch Tân Uyên

Cập nhật ngày: 15/10/2021
Dẫu còn không ít gian nan trên con đường hướng đến sự chuyên nghiệp trong cách làm du lịch, nhưng huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu vẫn kiên trì biến thách thức thành tiềm năng, biến khó thành dễ để phát triển du lịch thông qua Đề án xây dựng xã, bản nông thôn mới (NTM) nâng cao gắn với phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021-2025.
 
Đồi chè thị trấn Tân Uyên ven trục quốc lộ 32 là điểm check in lý tưởng cho nhiều du khách
 
Nhìn lại bức tranh du lịch
 
Dẫn ra hàng loạt tiềm năng về du lịch thì Tân Uyên đang được sở hữu nhiều thế mạnh. Thế mạnh phần lớn do Nhân dân đưa cây chè bén rễ trên mảnh đất này từ những năm 60 của thế kỷ trước. Màu xanh ngút ngàn của chè với những đường cong, đường vân nối tận chân mây kéo dài từ đầu đến cuối huyện. Thế nhưng, khi khách du lịch muốn ghé thăm, thưởng ngoạn những điểm đến tại đây, nhiều vấn đề họ quan tâm mới chỉ giải quyết được phần nào. Nói như anh Đinh Giang Hải (một người có kinh nghiệm làm du lịch ở thành phố Lai Châu) thì khách khi đến với các điểm du lịch đều quan tâm đến 4 vấn đề: Chơi gì? Ăn gì? Ngủ ở đâu và mua quà gì lưu niệm? Tân Uyên mới đáp ứng được nhu cầu khách du lịch ở mức độ khiêm tốn.
 
Trong cuộc trò chuyện với một vị nguyên là lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cách đây ít lâu, chúng tôi càng hiểu hơn về những cái “khó” trong phát triển du lịch ở Tân Uyên. Nếu ở Phong Thổ với hàng loạt lễ hội mang “linh hồn”, là “đặc sản” của đồng bào dân tộc Thái như: Nàng Han, Then Kin Pang hay Kin Lẩu Khẩu Mẩu; huyện Than Uyên có lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông hay lễ hội té nước của người Lào ở huyện Tam Đường… Còn Tân Uyên dường như những thế mạnh đó đang khiếm khuyết rất nhiều, cần có thời gian, công sức để tôn tạo, phục dựng.
 
Tân Uyên có suối nước nóng ở bản Phiêng Phát (xã Trung Đồng), Nà Ban (xã Thân Thuộc) hay Nà Ún (xã Pắc Ta). Nhưng, cơ sở hạ tầng mà trước tiên là đường giao thông đi vào các điểm này, việc đầu tư vẫn còn khiêm tốn. Với nguồn vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng cho đoạn đường giao thông từ quốc lộ 32 đi vào điểm suối nước nóng Phiêng Phát chưa đầy 1km, bề rộng đoạn đường mới chỉ đủ cho 1 chiều đi. Bãi đỗ xe cũng chưa được bố trí; các dịch vụ đi kèm cũng còn thô sơ. Nhiều đơn vị doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư; chính quyền huyện cũng đã tạo điều kiện tối đa trong chính sách thu hút nhưng vẫn chưa níu kéo được bước chân nào ở lại. Đây chính là cản trở lớn cho những ai muốn đến để trải nghiệm sự thú vị của thiên nhiên trên mảnh đất Tân Uyên.
 
“Gạn đục, khơi trong”
 
Biến khó thành dễ; chuyển khó khăn, thách thức thành tiềm năng, thế mạnh, huyện Tân Uyên đang linh hoạt “gạn đục, khơi trong”, tìm kiếm những cơ hội, lợi thế và điểm sáng tốt nhất để đầu tư phát triển kinh tế gắn với du lịch thông qua Đề án xây dựng xã, bản NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021-2025. Được biết, tổng kinh phí thực hiện đề án là trên 76 tỷ đồng, trong đó trên 68 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo đó, lộ trình thực hiện đề án được phân kỳ theo từng năm, trong giai đoạn 2021-2025, huyện thực hiện xây dựng xã NTM gắn với phát triển du lịch tại 2 xã Phúc Khoa, Nậm Cần và 9 bản của 9 xã gồm: bản Phúc Khoa (xã Phúc Khoa), Phiêng Áng (xã Nậm Cần), Phiêng Phát (xã Trung Đồng), Nà Hoi (xã Thân Thuộc), Nà Ún (xã Pắc Ta), Mít Nọi (xã Hố Mít), Nậm Khăn (xã Tà Mít), Ngăm Ca (Nậm Sỏ) và Hô Tra (xã Mường Khoa). Đây là những điểm sáng nhất trong bức tranh NTM mà huyện Tân Uyên có thể để làm du lịch.
 
Trong Đề án xây dựng xã, bản NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021-2025, huyện Tân Uyên xác định, huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM vào cuối năm và trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Huyện có tiềm năng phát triển nông nghiệp, có vùng chè tập trung với diện tích lớn; các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có chất lượng, giá trị kinh tế cao. Nơi đây còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, các nguồn nước khoáng nóng có chất lượng; nền văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, độc đáo của 10 dân tộc. Nhìn chung, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch như: đường giao thông, nhà hàng, nhà nghỉ, điện, nước sinh hoạt, ngân hàng, viễn thông, cơ sở vui chơi giải trí đang tiếp tục được quan tâm đầu tư và đổi mới từng ngày, bước đầu thu hút được du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.
 
Thổi luồng gió mới, tô vẽ cho bức tranh du lịch đậm nét, hấp dẫn hơn, huyện đã đầu tư các đường giao thông nội đồng gắn với phục vụ phát triển du lịch tại các đồi chè lên đến tận chân núi tại xã Phúc Khoa. Mới đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp với xã huy động Nhân dân tổ chức trồng các loài hoa như: ban, muồng hoàng yến xung quanh đường đồi chè. Với cảnh quan thiên nhiên trong lành, xanh mát; những đồi chè xanh ngút ngàn, thấp thoáng xen lẫn màu vàng, trắng của hoa, nơi đây trong tương lai không xa được dự báo có không gian đẹp tựa thiên đường.
 
Lộ trình thực hiện Đề án xây dựng xã, bản NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021-2025 sẽ có 3 bản được xây dựng thành điểm du lịch cấp tỉnh gồm: bản Phúc Khoa (xã Phúc Khoa) vào năm 2022; bản Phiêng Phát (xã Trung Đồng) vào năm 2023 và bản Hô Tra (xã Mường Khoa) vào năm 2024. Dự kiến hàng năm, huyện đón 4.000-5.000 lượt khách tham quan du lịch.
 
Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đổi mới tư duy của chính người dân trong cách làm du lịch, cộng với tuyến đường cao tốc nối Lai Châu - Lào Cai sắp được khởi công, chắc chắn du lịch Tân Uyên sẽ phát triển lên tầm cao mới.
 
Thu Trang
Báo Lai Châu