logo
title

Bình Định: Hoài Nhơn phát huy giá trị di tích gắn với du lịch

Cập nhật ngày: 03/12/2021
Nhiều năm qua, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) là một trong vài địa phương dẫn đầu trong việc đầu tư tôn tạo, xây dựng di tích; phát huy giá trị di tích vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, hướng tới phục vụ phát triển du lịch.
 
TX Hoài Nhơn định hướng phát triển du lịch gắn với quần thể Di tích Đào Duy Từ. - Trong ảnh: Di tích Đền thờ Đào Duy Từ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
 
Thị xã (TX) Hoài Nhơn hiện có 16 di tích (DT) lịch sử, văn hóa được xếp hạng (3 DT cấp quốc gia, 13 DT cấp tỉnh). Nhiều DT sau khi được đầu tư tôn tạo trở thành điểm đến thu hút du khách tham quan, như: Đền thờ Đào Duy Từ, Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương (phường Hoài Thanh Tây); Bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào khu 5 (xã Hoài Mỹ); Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (phường Tam Quan Nam)…
 
Theo ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao Thị xã Hoài Nhơn, thị xã đã phối hợp với Sở VHTT lập hồ sơ trình Bộ VHTTDL đề nghị nâng hạng DT quốc gia đền thờ Đào Duy Từ lên DT quốc gia đặc biệt. Nếu đề nghị được phê duyệt, thị xã sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phát triển tuyến du lịch gắn với quần thể các DT: Đền thờ Đào Duy Từ tại Cự Tài (xã Hoài Phú), chùa Cầu, lăng Lê Đại Lang, đền thờ Trần Đức Hòa (phường Hoài Thanh Tây), mộ cụ Đào (phường Hoài Hảo) và mộ Cống Quận Công Trần Đức Hòa (xã Hoài Sơn).
 
Thị xã cũng chú trọng tuyên truyền nhân dân chung tay giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể theo Luật Di sản văn hóa. Ông Nguyễn Hữu Phùng, ở thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải - người trông coi Lăng Ông Nam Hải ở vạn Kim Giao, chia sẻ: “Lăng được tạo lập năm 1852, ngư dân trong xã góp tiền trùng tu lần gần nhất vào năm 2015. Cùng với việc tôn tạo lăng, ngư dân còn chung tay phát huy giá trị Lễ hội cầu ngư truyền thống gắn với nghệ thuật hát múa bả trạo ở địa phương. Lăng hiện còn lưu giữ nguyên vẹn 10 sắc phong của triều Nguyễn và đã được lập hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị xếp hạng, việc được công nhận sẽ động viên tinh thần người dân Hoài Hải rất nhiều”.
 
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi DT lịch sử Địa đạo Gò Quánh (phường Hoài Thanh) với diện tích khoảng 7,47 ha, TX Hoài Nhơn đã và đang tiến hành khảo sát lại và cắm mốc bảo vệ các miệng hố địa đạo; đồng thời lên kế hoạch đầu tư phục dựng một số đoạn địa đạo để tái hiện một phần không gian, ý nghĩa và sức tác động của hệ thống này trong kháng chiến, giúp các thế hệ hôm nay hình dung được sức sáng tạo, tinh thần kiên cường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Hoài Nhơn. Sức hấp dẫn của DT này hoàn toàn có thể kết hợp đưa vào phục vụ phát triển du lịch.
 
Bên cạnh đó, UBND TX Hoài Nhơn cũng phối hợp với Sở VHTT lập hồ sơ trình UBND tỉnh xếp hạng một số DT cấp tỉnh, như: Di tích Dốc Cát (phường Hoài Hảo); Di tích lịch sử trận ném bom Chợ Đề năm 1952, Nhà tù lầu ông Tánh (phường Tam Quan)… Từ đó, có kế hoạch đầu tư xây dựng các điểm DT.
 
Cùng với việc quy hoạch đầu tư tôn tạo một số DT lịch sử, văn hóa ở địa phương, đầu tháng 11/2021, UBND TX Hoài Nhơn đã ban hành quy chế tạm thời quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các DT lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thị xã để phân quyền, phân cấp quản lý DT ở địa phương.
 
Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Trần Hữu Thảo cho biết: Bên cạnh việc ban hành quy chế tạm thời quản lý, bảo vệ DT, UBND thị xã chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với các ngành liên quan xây dựng Đề án và trình cấp thẩm quyền thành lập Ban quản lý Di tích TX Hoài Nhơn để quản lý DT được tốt hơn, hướng tới phát triển du lịch gắn với DT lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh theo chương trình phát triển du lịch của TX Hoài Nhơn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
 
Đoàn Ngọc Nhuận
Báo Bình Định