logo
title

Tìm hướng kích cầu cho du lịch đất Chín Rồng

Cập nhật ngày: 21/06/2022
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với nhiều tiềm năng và mang đậm bản sắc riêng về các sản phẩm du lịch sông nước, văn hóa miệt vườn, du lịch gắn với nông nghiệp, sinh thái, là một trong 7 vùng du lịch đặc trưng được Chính phủ phê duyệt. Để phát triển xứng tầm với tên gọi vùng đất “Chín Rồng”, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã ngồi lại với nhau tại hội thảo khoa học “Giải pháp kích cầu du lịch vùng ĐBSCL thời COVID-19” nhằm thu hút đông đảo du khách từ sự trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của vùng.
Nâng chất các sản phẩm du lịch
 
ĐBSCL nổi tiếng là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước. Đồng thời, vùng hiện có 5 khu du lịch và 7 điểm du lịch quốc gia, riêng tỉnh Bạc Liêu có 9/39 điểm du lịch tiêu biểu khu vực ĐBSCL. Du lịch của vùng có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống, tinh hoa văn hóa, lịch sử đặc trưng với sự khác biệt độc đáo của miền sông nước Nam Bộ. Chẳng hạn như Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác chợ nổi; Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo; Bạc Liêu đang dần khẳng định thương hiệu từ các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với đặc sản nông nghiệp, cánh đồng điện gió… Đặc biệt, khi đến với vùng ĐBSCL, du khách sẽ thỏa thích thưởng thức sự độc đáo của nghệ thuật Đờn ca tài tử mượt mà, sâu lắng; trải nghiệm rất nhiều điểm du lịch tâm linh, mỗi nơi một vẻ.
 
Để khai thác tốt các tiềm năng, sản phẩm du lịch đặc thù trên, các tỉnh, thành trong vùng đã trao đổi, chia sẻ và đóng góp cho nhau những giải pháp nhằm nâng chất các sản phẩm du lịch của địa phương. Theo ý kiến của ông Nguyễn Xuân Khoa - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh Bạc Liêu, để phát triển du lịch sinh thái của vùng, các địa phương nên lưu ý đến hạn chế hiện nay là hầu hết chỉ khai thác những gì sẵn có từ thiên nhiên mà thiếu sự đầu tư lâu dài về hạ tầng, nguồn nhân lực, hoặc phải chú trọng đến vấn đề môi trường… Hay ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh Đồng Tháp, đề xuất giải pháp: “Các địa phương cần nâng chất các mô hình du lịch cộng đồng, homestay, farmstay… Hỗ trợ, xây dựng một số làng nghề tiêu biểu thành điểm du lịch vệ tinh nhằm kết nối với các điểm du lịch ở địa phương. Đặc biệt chú trọng các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn; phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết như: sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử kết hợp với lễ hội…”.
 
 
Khu Du lịch Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) là một trong 9 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL của Bạc Liêu thường xuyên được đầu tư nâng chất. Ảnh: H.T
 
Giải pháp cho sự bức phá
 
Sau khi đại dịch COVID-19 đã “hạ nhiệt”, các địa phương trong khu vực đã ngay lập tức có những động thái để khởi động và tìm hướng kích cầu du lịch hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong điều kiện bình thường mới. Trong quá trình trao đổi tại hội thảo giải pháp kích cầu du lịch vùng ĐBSCL mới đây, các đại biểu cũng đã bàn rất sâu về việc tìm hướng đi bền vững cho mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Trong đó, trước mắt các địa phương phải giải quyết khiếm khuyết như: đường giao thông vào các điểm du lịch còn quá chật hẹp, xe 30 - 40 chỗ ngồi không vào được; các hoạt động trải nghiệm của các địa phương hiện na ná nhau như: bơi xuồng, đặt lờ, câu cá; hay vãn cảnh chùa, thưởng thức bánh xèo, bánh khọt… Như vậy thì khách du lịch chỉ cần đi một điểm của một địa phương là đủ. Ngoài ra, một trong những hạn chế không khó khắc phục nhưng vẫn vướng là hiện nay hầu hết các địa phương đều thiếu sản phẩm quà lưu niệm để khách du lịch mua sắm cho những chuyến đi, thiếu loại hình du lịch nghỉ dưỡng.
 
Một trong những hướng đi bứt phá nữa cho DL ĐBSCL đó là ngoài việc phát triển những mô hình du lịch đã để lại ấn tượng trong lòng du khách thời gian qua thì các địa phương cũng đã và đang xây dựng các mô hình du lịch mới, hấp dẫn. Chẳng hạn như Bạc Liêu với việc phát triển du lịch nông trại nhằm thu hút khách du lịch ở các lứa tuổi, nhất là trẻ em sẽ vô cùng thích thú khi vừa được thưởng thức không gian thiên nhiên trong lành, vừa trải nghiệm các công việc nhà nông như hái rau, nhặt trứng gà, cho ngựa ăn cỏ… Và hiện nay, Bạc Liêu đang thu hút đông đảo lượng khách du lịch đến các điểm hấp dẫn như: các vườn nho, dưa lưới trong mùa thu hoạch; thưởng thức ẩm thực tại Nông trại Tôm Khỏe; thư giãn tại mô hình Cà phê - nông trại cừu…
 
Đặc biệt, giải pháp căn cơ của du lịch vùng ĐBSCL hiện nay mà các tỉnh, thành trong vùng luôn chú trọng vẫn là liên kết hợp tác, đồng thời trong giai đoạn khởi động mới này thì các địa phương cũng đang rất quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch… Hy vọng rằng, sau đại dịch, du lịch vùng đất “Chín Rồng” sẽ sớm phục hồi và phát triển bền vững.
 
Hoàng Uyên
Báo Bạc Liêu Online - baobaclieu.vn