logo
title

Phú Yên: Phát huy tiềm năng biển ở các đô thị liền kề

Cập nhật ngày: 29/07/2022
Chuỗi đô thị ven biển của tỉnh Phú Yên gồm TX Sông Cầu - huyện Tuy An - TP Tuy Hòa - TX Đông Hòa. Các địa phương này liền kề nhau bởi đường bờ biển dài 189km gắn với nhiều danh thắng như vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, Hòn Yến, vịnh Vũng Rô… Lợi thế cảnh quan và tiềm năng kinh tế biển đang hỗ trợ tích cực cho những đô thị này phát triển.
 
Tuyến phố đi bộ Phan Lưu Thanh đang tạo thêm nét độc đáo cho chuỗi hoạt động du lịch tại khu vực biển Tuy Hòa. Ảnh: CTV
 
Hướng tới du lịch - dịch vụ
 
Với người dân trong tỉnh và nhiều du khách, những ngày cuối tuần ở TP Tuy Hòa thêm sôi động hơn khi được hòa mình vào tuyến phố đi bộ Phan Lưu Thanh và Lê Trung Kiên. Đến đây, du khách được thưởng thức ẩm thực, lắng nghe âm nhạc đường phố, mua sắm đồ lưu niệm, sản vật địa phương… Đây là hoạt động quảng bá du lịch nổi bật diễn ra trên địa bàn thành phố kể từ khi bình thường mới trở lại sau đại dịch COVID-19. Theo UBND TP Tuy Hòa, từ đầu năm đến nay, doanh thu từ dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành trên địa bàn thành phố đạt trên 900 tỉ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ.
 
Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Du lịch dịch vụ sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố gắn với thương hiệu “Tuy Hòa - vẻ đẹp và hương vị Đại dương xanh”. Biển Tuy Hòa sẽ không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ mà còn tạo thêm sức hút nhờ được đầu tư các công trình kiến trúc, các hoạt động vui chơi giải trí cùng chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp. Từ trung tâm là tháp Nghinh Phong kết nối với Quảng trường 1 Tháng 4, tuyến đường ven biển và tuyến phố đi bộ… tất cả đang góp phần đa dạng thêm hoạt động du lịch biển. Hiện thành phố tiếp tục khai thác bãi biển và mặt nước biển bằng cách hình thành các khu vui chơi giải trí và khu dịch vụ. Theo đó, đến với biển Tuy Hòa, du khách sẽ không chỉ được tắm biển mà còn được thử sức với các trò chơi như dù lượn, chèo thuyền, trượt nước mô tô…
 
Chỉ còn một tuần nữa là lễ hội Tôm hùm lần thứ 1 sẽ được tổ chức ở khu đô thị Vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Đây là hoạt động quảng bá hình ảnh, thắng cảnh khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, đồng thời tôn vinh nghề nuôi trồng và chế biến thủy hải sản - nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Sông Cầu. Theo ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, địa phương định hướng phát triển du lịch Sông Cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ. Thị xã từng bước hình thành 5 không gian du lịch chính gồm du lịch trên mặt vịnh, du lịch sinh thái biển bán đảo Xuân Thịnh, du lịch tổng hợp Gành Đỏ - Bình Sa, du lịch dịch vụ trung tâm thị xã và không gian du lịch Bắc Sông Cầu. Trong đó điểm nhấn là vịnh Xuân Đài với thương hiệu “Vịnh Xuân Đài - điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam”.
 
Phát triển bền vững
 
Tận dụng lợi thế biển để đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy hải sản và phát triển du lịch nhằm tăng giá trị sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách và tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân. Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất ngành Thủy sản tại địa phương đạt trên 400 tỉ đồng, sản lượng khai thác đạt trên 7.600 tấn thủy sản các loại. Về hoạt động du lịch, từ đầu năm đến nay có 58.629 khách tới thăm quan du lịch cho doanh thu đạt trên 800 triệu đồng. Dịch vụ, du lịch và khai thác nuôi trồng thủy hải sản đang là lĩnh vực tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. 6 tháng qua, toàn thị xã có hơn 1.700 lao động được tạo việc làm mới. Địa phương phấn đấu tới cuối năm giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động.
 
Chị Nguyễn Thị Ly, một hộ kinh doanh đặc sản biển ở phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) cho biết: Thời gian trước, cá, mực, tôm… chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Khoảng 5 năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi từ huyện lên thị xã, khách du lịch tới nhiều hơn nên mức tiêu thụ tại chỗ cũng tăng lên. Không chỉ bán cho các nhà hàng, nhiều khách du lịch còn liên hệ trực tiếp với tôi để lấy số lượng lớn mang về làm quà. Nhà tôi từ 3 người làm nay phải tuyển thêm 5 lao động nữa để chuyên đóng hàng gửi đi cho khách ngoài tỉnh.
 
Song song với mục tiêu kinh tế, nhiều địa phương chú trọng tới bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan danh thắng… Theo UBND huyện Tuy An, địa phương đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị, tổ chức trong việc bảo vệ, bảo tồn các thắng cảnh tự nhiên như san hô trong khu vực danh thắng quốc gia Hòn Yến hay di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Gành Đá Đĩa… “Địa phương tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và du khách về tôn trọng và bảo vệ môi trường, cảnh quan danh thắng. Trong đó, hướng dẫn và nhắc nhở du khách thực hiện các quy định về bỏ rác đúng nơi quy định, không xâm phạm cảnh quan tự nhiên; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm… Về lâu dài, việc tạo sinh kế cho người dân từ hoạt động du lịch, dịch vụ sẽ tăng hiệu quả khai thác và bảo vệ những tiềm năng này vì vậy chính quyền địa phương tích cực kêu gọi đầu tư, thu hút du lịch để tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân…”, ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết.
 
Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh có 4 huyện, thị xã và thành phố ven biển, chiếm 25% diện tích và 56,4% dân số. Với bờ biển dài cùng ngư trường rộng, nguồn thủy sản phong phú và nhiều đầm vịnh kín gió là điều kiện thuận lợi cho các địa phương này phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản, phát triển dịch vụ du lịch. Khu vực ven biển của tỉnh phát triển mạnh, là đầu tàu kinh tế cả tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh.
 
Minh Duyên
Báo Phú Yên - baophuyen.vn