logo
title

Đắk Lắk: Tiếp sức cho du lịch phục hồi

Cập nhật ngày: 29/07/2022
Nỗ lực làm mới, ra mắt thêm sản phẩm, dịch vụ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động du lịch... là những động thái mà ngành chức năng và các DN của tỉnh Đắk Lắk đang tập trung thực hiện nhằm tăng lượng khách đến, tiếp đà phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19.
Theo đánh giá của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, ngành du lịch địa phương đang có tốc độ phục hồi tích cực sau đại dịch COVID-19. 6 tháng đầu năm 2022 đánh dấu sự khởi sắc trở lại khi lượng khách đến Đắk Lắk là 540.500 lượt, bằng 130% so với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 420 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Thời gian qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp kích cầu nhằm phục hồi, tạo động lực để phát triển du lịch. Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện Đắk Lắk đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, từng bước phục hồi thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ trong hoạt động du lịch.
 
 
Du khách thích thú vơí không gian thơ mộng tại khu nghỉ dưỡng HAMI Garden.
 
Bằng nhiều nỗ lực để phục hồi ngành du lịch, Sở đã ban hành kế hoạch, tổ chức các hội nghị xúc tiến, tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Lắk, gặp gỡ doanh nghiệp để bàn và đưa ra giải pháp đẩy mạnh tiến độ hồi phục ngành du lịch của tỉnh nhà.
 
Các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh: Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk; tổ chức khảo sát, xác định danh mục, mức hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng... được đẩy mạnh. Sở cũng tổ chức tập huấn kỹ năng nghiệp vụ lễ tân phục vụ khách du lịch, tập huấn về quy trình xử lý khi phát hiện có khách lưu trú là F0... đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN ở lĩnh vực này phát triển. Trong đó, Sở đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của các DN du lịch đứng chân trên địa bàn.
 
Từ đầu năm đến nay, các DN du lịch đã đẩy mạnh việc xây dựng những sản phẩm du lịch mới và làm mới các sản phẩm đã có. Để thu hút khách, thúc đẩy du lịch phục hồi, Trung tâm Du lịch cầu treo Buôn Đôn tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới. Điển hình như tổ chức cho du khách cắm trại khu vực đảo Ây Nô, tạo các tiểu cảnh cho khách “check in”, mở tour du lịch “Về thăm làng Đảo Bản Đôn”. Cách làm này đã giúp du khách có dịp tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa bản địa hơn.  
 
Bên cạnh việc cho ra đời các sản phẩm du lịch mới, các cơ sở lưu trú cũng tích cực nâng cấp, làm mới cơ sở để thu hút, giữ chân và tạo được sự “hứa hẹn” quay trở lại đối với du khách.
 
Khách sạn Thanh Mai Hotel (170 Ngô Quyền, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) có không gian lưu trú với 81 phòng được thiết kế sang trọng, tiện nghi, đạt chuẩn 3 sao. Khách sạn còn có nhiều dịch vụ cho du khách trải nghiệm như nhà hàng Moon Bar phục vụ thực đơn Á, Âu; hồ bơi, tiệc nướng ngoài trời, game room, phòng hội nghị...
 
Cùng trong hệ thống của mình, mới đây, Thanh Mai Hotel còn đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng HAMI Garden (số 200 Dã Tượng, TP. Buôn Ma Thuột), với tổng diện tích hơn 4.000 m2 tại phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) để du khách hòa mình vào thiên nhiên và trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng. Dù mới đi vào hoạt động nhưng nơi đây được kỳ vọng mang đến trải nghiệm mới mẻ, ấn tượng cho du khách trong hành trình du lịch tại phố núi.
 
Ông Võ Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ HAMI cho hay, sau đại dịch, công ty đã sẵn sàng cho kế hoạch thu hút khách du lịch. Điểm mấu chốt là chất lượng đội ngũ, phong cách phục vụ du lịch để tạo cho khách lòng tin và tìm đến lần sau. Hiện, lượng khách đến đây đã tăng 40% so với đầu năm, đa số là khách gia đình và nhóm nhỏ. Thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức thêm nhiều sản phẩm du lịch để thêm trải nghiệm và giữ chân khách lưu trú vào ban đêm.
 
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, thời gian tới, ngành du lịch địa phương tiếp tục tập trung triển khai nhiều hoạt động, giải pháp dài hạn để thu hút du khách. Trong đó, Sở đã nghiên cứu mở, khai khác các tour, tuyến, điểm, sản phẩm du lịch mới lạ; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, khai thác nét văn hóa đa dạng, độc đáo của các dân tộc chung sống trên địa bàn, đăng cai tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo để thu hút thêm nhiều du khách đến với Đắk Lắk.
 
Những sản phẩm du lịch mới, ấn tượng được được kỳ vọng sẽ tạo sức hút, hấp dẫn du khách bốn phương đến với Đắk Lắk. Đây cũng là sự đầu tư, tâm huyết của cộng đồng du lịch trên địa bàn tỉnh với hy vọng có thể phục hồi ngành du lịch - dịch vụ khi dịch bệnh dần được kiểm soát tốt; đạt mục tiêu đón 905.000 lượt khách vào cuối năm 2022.
 
Đỗ Lan
Báo Đắk Lắk điện tử - baodaklak.vn