logo
title

Kiên Giang: Kết nối du lịch ven biển

Cập nhật ngày: 11/11/2022
Kiên Giang đang bắt tay vào chương trình xây dựng điểm đến du lịch “độc lạ” theo trục đường Hành lang ven biển giàu tiềm năng.
Những tháng vừa qua, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành tổ chức nhiều buổi đi khảo sát tại các điểm du lịch ở huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận thuộc vùng bán đảo Cà Mau.
 
 
Cống Cái Lớn - Cái Bé ở huyện An Biên tỉnh Kiên Giang lớn nhất Đông Nam Á, là kỳ quan sông nước của vùng bán đảo Cà Mau
 
Cung đường du lịch ven biển
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông cơ bản được kết nối các điểm du lịch trong tỉnh với hệ thống quốc lộ dần được hoàn thiện. Đáng kể là tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối với với tỉnh Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh, các tuyến Quốc lộ 80, quốc lộ 63 và 61 nối từ Cần Thơ đến Cà Mau - Năm Căn (nơi cột mốc số 0001), Quãng lộ Phụng Hiệp - Cà Mau. Đặc biệt tuyến Hành lang ven biển phía Nam (R10) kết nối từ Kiên Giang đi qua các điểm du lịch vườn quốc gia U Minh, khu sinh thái Sông Trẹm... đến Cà Mau. Đặc biệt tuyến R10 kết nối chiến lược du lịch không chỉ giữa 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau mà còn là cung đường du lịch ven vịnh Thái Lan với các nước tiểu vùng sông Mê Kong.
 
Về giao thông hàng không, tỉnh Kiên Giang đã mở các đường bay thẳng hàng tuần từ cảng hàng không Rạch Giá tới Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Riêng sân bay Cà Mau đang được đề nghị nâng cấp mở rộng sân bay Cà Mau để đón các loại máy cỡ lớn hơn. Bên cạnh đó giao thông hàng hải, tỉnh Cà Mau đang quy hoạch và kêu gọi đầu tư cảng tàu khách, hàng hóa và cảng cá Sông Đốc (cảng 3 trong 1) phía bờ Tây đã kết nối tuyến hàng hải với quần đảo du lịch Nam Du và Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang. Với vị trí cảng này chỉ mất khoảng hơn 1 giờ chạy tàu cao tốc đến Nam Du và hơn 2 giờ đến Phú Quốc.
 
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, ông Bùi Quốc Thái cho biết, những năm gần đây lượng du khách đến Kiên Giang đạt hơn 10 triệu lượt khách. Trong đó không ít du khách đi đường bộ đến TP Rạch Giá, sau đó đi tàu cao tốc ra các đảo gần bờ và đảo Phú Quốc. Bên cạnh đó theo cung đường R10 (đường Hành lang ven biển phía Nam) từ Kiên Giang đến Cà Mau đi qua các điểm du lịch mới nổi như: Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, sân chim Sông Trẹm, vườn quốc gia U Minh hạ, U Minh Thượng và Đất Mũi - Năm Căn. Do vậy để tạo chuổi điểm đến du lịch liên hoàn nằm trên trục đường này, tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch các điểm du lịch kết nối này thuộc các huyện vùng bán đảo Cà mau như: An Biên, Vĩnh Thuận, An Minh, U Minh Thượng.
 
Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển các điểm du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại vùng du lịch U Minh Thượng để đưa sản phẩm vào phục vụ du khách còn nhiều hạn chế. 
 
“Vùng U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang có nhiều điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch, hệ thống di tích lịch sử văn hoá truyền thống với vùng đất nhiều chiến tích lịch sử trên địa bàn, nghệ thuật kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, có vị trí địa lý thuận lợi, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có loại hình văn hoá nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer đặc trưng, nhất là các lễ hội truyền thống như: Chôl - chnăm - thmây, Sen đôl ta, Ok om bok... Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển ảnh hưởng tích cực đến hoạt động du lịch trên địa bàn. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như các khu du lịch, các khách sạn nhà hàng, khu vui chơi giải trí... đang trong giai đoạn quy hoạch và từng bước xây dựng đồng bộ, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch, góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng”, ông Thái kỳ vọng.
 
Tiềm năng và cơ hội kết nối
Kiên Giang và Cà Mau là hai tỉnh giáp ranh cùng chung vùng bán đảo Cà Mau, có nét tương đồng về văn hóa, thổ nhưỡng và khí hậu với sông liền sông, biển liền biển. Tuy nhiên mỗi địa phương bổ khuyết cho nhau với những đặc sản du lịch như: Đất Mũi với cột mốc số 0 và rừng đước Năm Căn, hay sinh thái sông Trẹm... và ngược lại các đảo du lịch phong phú và hấp dẫn của Kiên Giang. Đặc biệt Kiên Giang và Cà Mau sở hữu trên 1/3 bờ vịnh Thái Lan có chiều dài trên 350km với nhiều sản vật đặc chủng và hệ sinh thái phong phú, rất đặc trưng của vùng ven bờ biển phía Tây giàu tiềm năng sinh thái “độc lạ” cho du khách trong và ngoài nước.
 
Qua chuyến khảo sát và đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành Du lịch cho biết, vùng U Minh Thượng là vùng có tiềm năng về tài nguyên tự nhiên, đa dạng hệ sinh học nhất trong khu vực ĐBSCL, trong đó phải kể đến là rừng Tràm vùng sình lầy, hệ sinh thái chim, dơi, thú, cá... hệ sinh thái rừng phòng hộ. Tài nguyên nhân văn là cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng nông dân với nghề trồng cây lúa nước, vườn cây trái và làng nghề truyền thống, khu di tích căn cứ địa thời kháng chiến chống Mỹ tại U Minh Thượng.
 
Đáng kể là thời gian qua, chính quyền và nhân dân địa phương đã chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, đặc sắc, đa dạng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách như trải nghiệm một số tuyến tham quan có thể đầu tư phát triển du thuyền kết hợp với Đờn ca tài tử trên sông Cái Lớn, chợ nổi Vĩnh Thuận… trải nghiệm các bãi bàu sò ở các xã ven biển, thưởng thức các món hải sản tươi sống cùng với các sản phẩm nông sản OCOP của vùng, hay tham quan các Lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer...
 
“Để phát triển du lịch tại U Minh Thượng nói riêng và vùng Bán đảo Cà Mau nói chung cần phải có sự phối hợp của các sở, ngành có liên quan trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch hiện có và các điểm du lịch tiềm năng. Riêng chính quyền địa phương ở cấp huyện phải chủ động kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, cải tạo môi trường du lịch. Theo đó Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang sẽ xây dựng các chương trình liên kết những gì du khách đang cần và chúng ta đang có”, ông Thái chia sẻ.
 
Huy Thịnh
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - diendandoanhnghiep.vn