Là một trong những xã trung tâm vùng Mường Bi, xã Nhân Mỹ (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) có trên 95% người dân tộc Mường sinh sống với nền văn hóa lâu đời hàng nghìn năm. Từ nếp nhà sàn, trang phục dân tộc, ẩm thực và những di tích, danh lam thắng cấp tỉnh... tạo nên điểm đến hấp dẫn, níu chân du khách gần xa đến thăm quan, khám phá.
Núi Cột Cờ Mường Bi (bên trái), xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh vào cuối năm 2017 với giá trị lịch sử văn hóa và tâm linh sâu sắc
Thong dong trên tuyến đường tỉnh 436, hít thở không khí trong lành những ngày đầu xuân mới, chiêm ngưỡng núi Cột Cờ Mường Bi tọa lạc trên địa phận xã Nhân Mỹ và một phần đất thuộc xã Phong Phú. Cuối năm 2017, núi Cột Cờ Mường Bi được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Sở hữu vẻ đẹp thần bí với giá trị lịch sử văn hóa, tâm linh sâu sắc, núi Cột Cờ Mường Bi đã trở thành biểu tượng tiêu biểu trong đời sống tâm linh của cư dân nơi đây.
Cùng với núi Cột Cờ, thác Trăng thuộc xóm Trăng Tà là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, nổi tiếng là một trong những thác nước đẹp nhất của tỉnh. Thác Trăng gồm 3 điểm thác, cách đầu nguồn khoảng 1,5 km về hướng Tây Bắc. Mạch nước ngầm chảy xuống lọc qua những khe đá, dọc theo những thửa ruộng bậc thang tạo nên dòng nước suối mát mẻ, trong vắt khiến du khách đến đây ai cũng trầm trồ, nao lòng trước vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng. Tận dụng tiềm năng lợi thế của thác Trăng, hơn 30 hộ dân xóm Trăng Tà đã phát triển dịch vụ phục vụ khách du lịch nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Anh Bùi Văn Tú, xóm Trăng Tà cho biết: "Hàng năm, cao điểm từ tháng 4 - 9 là thời điểm thác nước cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa thu hút du khách trên địa bàn và các vùng lân cận đến chiêm ngưỡng, đắm mình dưới dòng suối mát. Vào những ngày thời tiết đẹp hoặc dịp nghỉ lễ cuối tuần, mỗi ngày thác Trăng đón từ 400 - 500 lượt khách. Trong 2 năm trở lại đây, do dịch Covid-19 khiến thác Trăng ảm đạm, vắng bóng khách du lịch”.
Xác định phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế đem lại hiệu quả cao, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, cùng những nét đặc trưng, bản sắc văn hoá của người Mường để thu hút khách du lịch. Tại các bản làng vẫn lưu giữ được những nếp nhà sàn cổ, phong tục tập quán, ẩm thực dân tộc và con người thân thiện, dễ mến… Bên cạnh đó, các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn được tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị để thu hút du khách.
Vấn đề đặt ra trong công tác phát triển du lịch hiện là công tác quy hoạch, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch còn hạn chế. Chưa tạo được mối liên kết, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch đến với địa bàn. Một số hộ kinh doanh dịch vụ du lịch theo hướng tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch chưa được quan tâm, xây dựng đồng bộ.
Đồng chí Đinh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Mỹ cho biết: Xác định những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng của du lịch địa phương. Trong đó tập trung phát triển du lịch cộng đồng nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của người Mường, du lịch khám phá, trải nghiệm. Xã mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; tạo mối liên kết cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực du lịch. Qua đó, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Đức Anh