logo
title

Hà Giang đánh thức tiềm năng du lịch Đồng Văn

Cập nhật ngày: 09/04/2025
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, với mục tiêu phấn đấu xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; xác định là địa phương có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, dịch vụ, Đồng Văn đang nỗ lực đưa ngành du lịch phát triển bền vững, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, phù hợp với định hướng phát triển du lịch chung của tỉnh Hà Giang trong Quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
 
Đồng Văn là huyện vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, có độ cao trung bình 1.400m so với mực nước biển, với tổng diện tích 45.171ha. 
 
Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, độc đáo, khí hậu trong lành, mát mẻ, thì nơi đây còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 17 dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày, Cờ Lao, Lô Lô, Pu Péo... Các dân tộc sinh sống hòa thuận, đoàn kết và tạo ra những bản sắc văn hóa riêng biệt đặc trưng cho vùng đất cao nguyên đá. Tất cả những sắc thái đó hòa quyện vào dòng chảy văn hóa chung, tạo nên một địa danh hấp dẫn, lôi cuốn của vùng cao cực Bắc.
 
 
Một góc thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)
 
Hiện nay, Đồng Văn có 14 cụm - 68 điểm di sản địa chất, địa mạo; 16 di tích và danh lam thắng cảnh được xếp hạng công nhận, trong đó có 8 di tích - di sản cấp Quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Cao nguyên đá Đồng Văn còn được biết đến như “Vịnh Hạ Long trên cạn”, đến với Đồng Văn là đến với vùng đất “cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời”, mảnh đất giàu tiềm năng cho du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, sinh thái và y dược học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe.
 
Bên cạnh những di tích nổi tiếng được xếp hạng như: Cột cờ Lũng Cú; kiến trúc nghệ thuật phố cổ Đồng Văn; kiến trúc nghệ thuật nhà Vương... Đồng Văn còn là địa phương có nhiều địa danh nổi tiếng như dốc Thẩm Mã, dốc Chín khoanh, thung lũng Sủng Là, rừng đa Thiên Hương, điểm cực Bắc Lũng Cú...
 
Bí thư Huyện ủy Đồng Văn Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Đồng Văn xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương theo hướng bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa, gắn giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, với việc giữ gìn thật tốt cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo ra thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, với quan điểm “Lấy nông nghiệp gắn với phát triển du lịch và lấy du lịch gắn với phát triển nông nghiệp”.
 
Quyết tâm xây dựng du lịch Đồng Văn trở thành thương hiệu, là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc trong khu vực cao nguyên đá thuộc phía Bắc tỉnh Hà Giang, sớm đưa Đồng Văn từ một huyện nghèo trở thành huyện có kinh tế phát triển.
 
Tháo nút “thắt” - kích cầu du lịch 
 
Từ xác định chủ trương phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương, năm 2024, huyện đã chỉ đạo rà soát được 23 điểm nhấn có tiềm năng phát triển du lịch để đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang, tuy nhiên do nguồn lực của huyện còn khó khăn, nên trước mắt, trong năm 2024, huyện triển khai thực hiện 11 điểm nhấn có tính cấp thiết, kích cầu, dẫn dắt các điểm du lịch khác, còn lại sẽ đầu tư vào giai đoạn 2025-2026. 
 
Để có nguồn lực đầu tư, huyện đã kêu gọi thu hút đầu tư và thực hiện một số hạng mục từ nguồn xã hội hóa. Huyện đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và các doanh nghiệp cùng đồng hành, đến nay đã thực hiện xã hội hóa được gần 2 tỷ đồng. Điển hình như công trình xây dựng Cổng chào đá thị trấn Đồng Văn, Phố Bảng, Sủng Là và hàng rào đá dọc hai bên quốc lộ về trung tâm thị trấn Đồng Văn... được người dân và doanh nghiệp đóng góp ngày công và kinh phí xây dựng.
 
Tại các xã như Sủng Là, Phó Bảng và thị trấn Đồng Văn, đã thực hiện xã hội hoá hoàn toàn trị giá 1,3 tỷ đồng, xây dựng được 32 gian hàng, ki ốt có kiến trúc truyền thống địa phương. Để có được sự ủng hộ, đồng hành này, huyện đã tạo được sự đồng thuận với người dân và doanh nghiệp để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các điểm nhấn phát triển du lịch.
 
Việc xây dựng các điểm nhấn này không chỉ có giá trị kinh tế cho bà con nhân dân, mà còn mang lại giá trị về văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo, truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá.
 
Cùng với đó, để tạo ra cảnh quan thiên nhiên, hướng tới du lịch xanh, du lịch sạch, du lịch bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cho chủ trương UBND huyện ban hành Đề án cải tạo và trồng cây xanh cảnh quan giai đoạn 2024-2030, xác định vị trí trồng, loại cây trồng, tạo ra các điểm nhấn cây hoa bốn mùa; tổ chức phát động trồng và cải tạo cây xanh trên địa bàn huyện, đến nay đã trồng được hơn 1.000 cây lê và đào địa phương; thực hiện xã hội hóa được hơn 1,3 tỷ đồng cho Đề án trồng cây xanh cảnh quan của huyện.
 
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo rà soát và lựa chọn, xác định ưu tiên cho “5 cây, 5 con”, gồm cây lê, tam giác mạch, rau bắp cải, gạo Khẩu Mang, cây mận; 5 con gồm bò, lợn, dê, ong, gà để triển khai thực hiện. Chỉ đạo tổ chức liên kết và ký kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), duy trì 25 sản phẩm đã được chứng nhận, năm 2024 phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP, gồm quả lê, rượu lê, mứt lê, sâm khoai, sản phẩm từ củ cải, bia tam giác mạch, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thịt bò và các sản phẩm chế biến từ mật ong và gừng (trà gừng, mứt gừng, gừng ngâm chân).
 
Chỉ đạo ra mắt Tổ tư vấn và cung cấp thông tin du lịch huyện và thành lập Hiệp hội Du lịch ở cấp huyện - đây là tổ chức được coi như là “địa chỉ đỏ”, tin cậy nhất cho khách du lịch. Chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban biên tập Trang thông tin điện tử của huyện, chỉ đạo tổ chức ra mắt cuốn cẩm nang du lịch. Phối hợp với Báo Hà Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh trong thông tin, tuyên truyền, qua đó góp phần tổ chức thành công các lễ hội ở Đồng Văn, như Lễ hội đường Phố, lễ hội khèn Mông, Lễ hội Hoa tam giác mạch. Sau thành công của các lễ hội, lượng khách đến Đồng Văn đã tăng lên, năm 2023 huyện thu hút hơn 700.000 lượt khách; năm 2024 là hơn 900.000 lượt khách. Tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống năm 2024 đạt hơn 1.200 tỷ đồng.
 
Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, thời gian tới, Đồng Văn tiếp tục cho ra mắt một số sản phẩm du lịch mới trong trải nghiệm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, y dược học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe... Khách đến Đồng Văn sẽ được trải nghiệm khu trung tâm diễn xướng lớn nhất ở cao nguyên đá Đồng Văn, được trải nghiệm cưỡi ngựa và đi xe ngựa đến các điểm du lịch, các làng bản.
 
Bên cạnh đó, với lợi thế nổi tiếng về hoa lê, hoa đào mỗi khi xuân về, ngoài lễ hội hoa tam giác mạch, năm 2025, huyện Đồng Văn sẽ tổ chức một số lễ hội mới, tạo ra sản phẩm mới để thu hút khách du lịch. Nổi bật là lễ hội hoa lê, lễ hội hoa đào. Cùng với đó, Đồng Văn sẽ ưu tiên, tập trung cho phát triển du lịch, dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, hướng đến Đồng Văn là điểm đến “an toàn - hấp dẫn - thân thiện” và hướng đến du lịch Đồng Văn là điểm nhấn có thương hiệu riêng, dấu ấn riêng.
 
Bài, ảnh: Dương Ngọc
Báo Quân đội Nhân dân - qdnd.vn