Khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, theo thống kê từ đầu năm đến nay, lượng du khách đến với xã Sơn Thủy (Mai Châu) ước đạt 20.000 lượt người. Với việc khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm…, Sơn Thủy hứa hẹn là điểm dừng chân lý tưởng của du khách đến khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc.
Toàn cảnh Mai Châu Hideaway Lake Resort tại xóm Suối Lốn, xã Sơn Thủy (Mai Châu) nằm ven lòng hồ sông Đà
Mai Châu Hideaway Lake Resort, xóm Suối Lốn (xã Sơn Thủy) là khu nghỉ dưỡng sinh thái nằm ven lòng hồ sông Đà, được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2018, với tổng diện tích 1,6 ha, 32 phòng nghỉ. Mai Châu Hideaway Lake Resort tọa lạc trên lưng chừng núi, phóng xa tầm mắt là toàn cảnh hồ Hòa Bình và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Từ đầu năm đến nay, Mai Châu Hideaway Lake Resort đã đón hơn 8.000 lượt du khách đến thăm quan nghỉ dưỡng, mức giá dao động từ 1,85 - 2,05 triệu đồng/phòng/đêm.
Chị Lê Luyến, Giám đốc kinh doanh Mai Châu Hideaway Lake Resort cho biết: "Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Mai Châu Hideaway bắt tay vào việc xây dựng, quảng bá hình ảnh trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội facebook, website, instagram… với hình ảnh mới mẻ, nhiều ưu đãi. Song song với đó nâng cấp hệ thống phòng sau một thời gian dịch bệnh kéo dài, cải thiện các dịch vụ tại chỗ như: Chất lượng bữa sáng, đội ngũ nhân viên… để hướng tới sự hài lòng của du khách. Sau khi hoạt động trở lại, công suất phòng của khu nghỉ dưỡng luôn đạt trên 70%, vào mùa cao điểm tháng 7 vừa qua đạt trên 80%. Qua đây nhận thấy nhu cầu đi du lịch ngày càng tăng, các chuyến đi của du khách được lặp lại nhiều lần trong năm nhằm cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, thư giãn.
Nằm ở ven hồ, xã Sơn Thủy có 5 xóm tiếp giáp với hồ Hòa Bình. Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ, tuyến quốc lộ 6 và tỉnh lộ 450 thuận tiện cho du khách lưu thông trên tuyến Hà Nội - Sơn La. Vùng đất này cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Thái, Mông, Kinh, Tày, tạo nên những nét đặc sắc, phong tục tập quán đặc trưng của từng dân tộc về ẩm thực, nếp sống văn hóa, trang phục… Theo rà soát, toàn xã có 2 khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, 3 dự án đang trong quá trình khảo sát, triển khai các thủ tục theo quy định. Đây đều là những điểm du lịch chất lượng cao thu hút đông du khách nội địa và quốc tế đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm không gian, khí hậu tuyệt vời của núi rừng Tây Bắc.
Bên cạnh việc tập trung khai thác thế mạnh du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư nguồn vốn cải tạo cơ sở vật chất, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng. Xã hiện có 7 hộ kinh doanh dịch vụ homestay tại xóm Suối Lốn, Khan Hạ, Sạn Sộp. Tại đây, du khách được tìm hiểu bản sắc văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc; thăm quan các hang động, trải nghiệm trèo thuyền kayak, trekking các cung đường mạo hiểm; thưởng thức các món ăn dân tộc như gà đồi, cá lăng nướng, rau rừng do người dân tự chế biến… Do hầu hết các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tự phát nên nguồn vốn còn hạn hẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được quan tâm đầu tư xây dựng. Vì vậy, khách du lịch chủ yếu đến thăm quan, trải nghiệm dịch vụ trong ngày chứ không lưu trú qua đêm.
Đồng chí Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giúp nâng cao thu nhập cho Nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực phát triển du lịch. Mong muốn các cấp quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Điện lưới, đường giao thông, nước sinh hoạt… Đồng thời tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh được đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch. Từ đó xây dựng, nâng cao các sản phẩm du lịch thế mạnh, độc đáo, thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm”.
Đức Anh