logo
title

Khai thác “tài nguyên” con người trong phát triển du lịch ở An Giang

Cập nhật ngày: 18/09/2023
Không chỉ sở hữu tài nguyên độc đáo với hệ thống gần 40 ngọn núi, 1.200 di tích, 41 lễ hội với sự giao thoa văn hóa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm…, An Giang còn không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút đầu tư, giữ chân du khách.
“Thánh địa” du lịch của đất Chín rồng
 
 
Rừng tràm Trà Sư với hệ thống cây tràm ngập nước như tạo ra những thủy đạo độc đáo bên dưới
 
Tại khu vực ĐBSCL, An Giang sở hữu hệ thống núi với gần 40 ngọn, trong đó có núi Cấm đạt độ cao trên 700m. Vì thế mà nhiều người ví von An Giang như “nóc nhà của đất Chín rồng”. Hơn thế nữa, núi ở An Giang được xếp theo hình cánh cung với tổng chiều dài gần 100km. Khởi đầu từ núi Nổi nằm bên bờ sông Tiền (thị xã Tân Châu) sau đó luồn qua lòng sông Hậu, đến TP Châu Đốc tạo nên núi Sam rồi tiến vào thị xã Tịnh Biên, huyện Tri Tôn tạo nên huyền thoại Thất Sơn (Bảy Núi) trước khi kết thúc tại huyện Thoại Sơn (núi Sập) - trọng địa nền văn hóa Óc Eo.
 
Thời gian và bàn tay thiên nhiên đã kiến tạo cho núi ở An Giang hệ thống hang động rất đa dạng về hình thể: kín, hở, nửa kín - nửa hở… Chỉ riêng núi Cấm (Cấm Sơn, Thiên Cấm Sơn) có đến hàng chục hang động lớn, chất chứa bên trong cả kho tàng huyền thoại. Thậm chí, do có sự giao thoa văn hóa 4 dân tộc nên danh xưng hang động ở An Giang cũng rất độc lạ, khi gọi là lò ảng, khi là điện… và đặc biệt hơn là tất cả đều được khoác lên trên mình chiếc áo lung linh sắc màu từ tâm linh đến lịch sử, như Điện 13 tầng, Điện Cửu Phẩm, Hang Bác vật Lang, Hang Ông Hổ...
 
An Giang còn là địa phương dẫn đầu vùng ĐBSCL khi sở hữu đến gần 1.200 di tích và hơn 40 lễ hội… Trong đó ấn tượng và vượt trội nhất là 2 di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê. Bên cạnh đó, lễ hội Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam, Đua bò Bảy Núi đã đưa An Giang trở thành “thánh địa” du lịch. Nếu như Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam là điểm nhấn của du lịch tâm linh nổi danh và đang trên đường tiến tới danh hiệu “di sản văn hóa phi vật thể nhân loại”, thì Đua bò Bảy Núi là loại hình văn hóa thể thao của đồng bào dân tộc Khmer, độc đáo tầm thế giới. Bởi ở đó, không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa hiếm có của những màn trình diễn đầy màu sắc, âm thanh, tốc độ… mà còn ẩn chứa cả kho tàng cổ xưa về tín ngưỡng thần rừng với những lời chúc vụ mùa ấm no…
 
“Tài nguyên” con người
 
Không chỉ sở hữu tài nguyên tự nhiên và nhân văn, An Giang còn không ngừng phát huy “tài nguyên” con người, tạo thành thế “kiềng 3 chân” thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Đó không chỉ là việc nhạy bén trong xây dựng, cập nhật chính sách ưu đãi mời gọi nhà đầu tư du lịch và giữ chân du khách, mà còn là sự linh động ứng dụng công nghệ số để quảng bá du lịch... Vì thế không chỉ dẫn đầu đất Chín rồng về lượng khách du lịch, An Giang còn hướng tới mục tiêu đón nhận 10 triệu du khách/năm và có mặt trong TOP 10 du lịch cả nước.
 
Theo đó, An Giang không ngừng tạo điều kiện để các doanh nghiệp vững tin đầu tư lớn, biến hàng loạt danh thắng trở thành điểm du lịch quan trọng như rừng tràm Trà Sư, búng Bình Thiên, đồi Tức Dụp… tạo ra nhiều sản phẩm thu hút du khách, như: trekking núi Cấm, đêm nhạc Acoustic núi Cấm, dự án “Làng bè sắc màu trên ngã ba sông Châu Đốc”, biểu diễn dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu (Tri Tôn)… Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp mở mới mô hình du lịch cắm trại ở huyện Tri Tôn như An Suối Garden, Bảy Núi Farm, Garden Camp Ô Tà Sóc, Ganesha Ô Thum… Tất cả mang đến cho du khách những trải nghiệm rất mới và đặc biệt.
 
An Giang còn tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch. Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang chia sẻ: “Chúng tôi chủ động tăng cường kết nối và hợp tác phát triển du lịch theo lối đi riêng - vừa kết hợp offline lẫn online. Trong đó đặc biệt chú trọng chuyển đổi số trong quảng bá và nhận được hiệu ứng tích cực. Điển hình là việc hợp tác quảng bá du lịch trên TikTok vào tháng 4/2023. Với sự hỗ trợ của các nhà sáng tạo nội dung, chỉ sau 1 tháng đầu khởi động đăng các video clip với hashtag #HelloAnGiang trên nền tảng TikTok, đã thu hút gần 150 triệu lượt xem. Chỉ cần vài phút xem qua những hình ảnh, chi tiết độc đáo từ góc nhìn hiện đại… tất cả những điều tưởng chừng như xưa cũ, hiện lên một cách mới mẻ đủ sức thôi thúc nhiều người xách ba lô để khám phá, trải nghiệm một An Giang sông núi hữu tình với nhiều món ăn, lễ hội đặc sắc, hấp dẫn…”.
 
Phát huy tối đa tài nguyên con người để khai thác tiềm năng, thế mạnh tài nguyên tự nhiên và nhân văn, An Giang không chỉ đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương, mà còn gợi mở cách nghĩ, cách làm cho nhiều địa phương cùng làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
 
Bài, ảnh: Thanh Mai
Báo điện tử Cần Thơ - baocantho.com.vn