logo
title

Hậu Giang: Tiềm năng phát triển kinh tế đêm

Cập nhật ngày: 19/06/2024
Những năm gần đây, kinh tế đêm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương trong đó có Hậu Giang, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều dư địa cho lĩnh vực này phát triển.
 
Kinh tế đêm còn nhiều tiềm năng để phát triển
 
Kinh tế đêm là những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18 giờ hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: mua sắm, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí... Đây không phải là mô hình mới nhưng đang mở ra cơ hội cho nhiều địa phương biết nắm bắt và áp dụng.
 
Ghé thăm thành phố Ngã Bảy khi trời sụp tối, dễ dàng cảm nhận không khí nhộn nhịp cuộc sống về đêm ở đây. Bà Nguyễn Thị Nhung, tiểu thương lâu năm tại chợ Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Chợ này bán cả ngày lẫn đêm luôn. Ban đêm, người ta lại bỏ mối thịt, cá, rau củ. 9 giờ, 10 giờ tối là nhóm chợ bán tới sáng. Tới 5 giờ là dẹp cho nhóm khác bán tới chiều tối. Giờ nào chợ cũng có người hết, đông vui”.
 
Bên cạnh chợ nông sản thì đêm xuống cũng là lúc chợ đêm bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất, từ kinh doanh ăn uống đến giày dép, quần áo. Anh Trần Văn Vĩnh, tiểu thương bán quần áo ở chợ đêm Ngã Bảy, cho hay: “1 giờ rưỡi ra dọn xong bán tới khoảng 8 giờ rưỡi, 9 giờ là dọn. Quần áo, giày dép, ăn uống thì vòng vòng khu vực này, bờ hồ có thêm quán cà phê. Đêm xuống thì khu vực trung tâm thành phố nhộn nhịp, người ta đi mua sắm, vui chơi rất nhiều. Hồi xưa, tối bày hàng ra bán được lắm nhưng từ sau đợt dịch bệnh tới giờ, bán chậm hơn”.
 
Tại thành phố Vị Thanh, khu chợ đêm công viên Xà No đang trở thành điểm hẹn lý tưởng của nhiều người dân mỗi tối. Ở đây, hoạt động buôn bán bắt đầu nhộn nhịp khi màn đêm buông xuống. Bà Quách Thị Hoa, chủ tiệm ăn 6 Hoa, ở chợ đêm này đã có 40 năm theo nghề kinh doanh ăn uống, cho hay: “Tôi bán hủ tiếu, hủ tiếu mì, miến gà, hoành thánh, mì tươi, bún riêu cua, bánh canh, nui...  ai thích cái gì thì cứ việc kêu. Thấy bán ở đây nhộn nhịp hơn chợ Hai Bà Trưng cũ. Chợ sung túc, đông khách vãng lai, như ở Ngã Bảy, Phụng Hiệp, Cần Thơ, Sóc Trăng người ta đi ngang qua đây cũng ghé ăn. Giá cả bình dân nên chợ này luôn đông khách”.
 
Anh Trần Duy Minh, một khách du lịch ghé thăm chợ đêm Vị Thanh lần đầu tiên, cho biết: “Sau một ngày làm việc, học tập thì ban đêm là thời gian thư giãn, “xài tiền” của nhiều người. Tôi nghĩ để phát triển kinh tế đêm thì có thể kết hợp thêm nhiều dịch vụ kết nối với chợ, cho du khách có nhiều trải nghiệm thú vị hơn chứ không chỉ đơn giản là mua sắm, ăn uống rồi về ngủ”.
 
Có thể thấy, kinh tế ban đêm tại tỉnh Hậu Giang hiện chỉ dừng lại ở ăn uống và mua sắm mà chưa có nhiều sự lựa chọn cho người dân. Bên cạnh đó, tập quán sinh hoạt của người dân nông thôn cũng tác động ít nhiều đến việc phát triển các dịch vụ tại tỉnh. Mặc dù dư địa và tiềm năng khai thác được đánh giá còn rất nhiều.
 
Kinh tế đêm là một yếu tố quan trọng để hút khách du lịch, đóng góp vào nền kinh tế. Tuy nhiên, để “thắp sáng” kinh tế ban đêm, không chỉ thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bài bản mà quan trọng là cần có cơ chế, chính sách và chọn lối đi riêng để tạo điểm nhấn khác biệt. Nhiều chuyên gia cho rằng, phải phát triển và xây dựng sản phẩm theo tổ hợp “mua sắm, vui chơi giải trí và ăn uống”. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong vùng cần có sự liên kết để xâu chuỗi các hoạt động, sản phẩm du lịch để níu chân du khách. Nếu phát triển ở trong tỉnh cũng chỉ nên chọn một đô thị nào đó mà có khả năng thu hút khách.
 
Để đánh thức kinh tế đêm, UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án phát triển KTBĐ là 12.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành 6-7 tổ hợp vui chơi, giải trí và có ít nhất 2 sản phẩm văn hóa văn nghệ mang tính đặc trưng cho địa phương.
 
Ngoài ra, hình thành ít nhất 4 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 2-3 ngày. Hoạt động KTBĐ tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 7% trở lên. Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 12-13%/năm. Mục tiêu đến năm 2030 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỉ đồng. Về định hướng, sẽ phát triển dịch vụ ăn uống, ẩm thực tập trung phát triển ở thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy. Tái cấu trúc lại hai khu chợ đêm hiện có tại thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy. Bên cạnh đó, phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí ban đêm; dịch vụ du lịch ở một số địa phương trong tỉnh.
 
Bài, ảnh: Mộng Toàn
Báo Hậu Giang online - baohaugiang.com.vn