logo
title

Tiền Giang: Khai thác tiềm năng du lịch từ các lễ hội truyền thống

Cập nhật ngày: 18/02/2025
Lễ hội truyền thống là di sản tinh thần quý báu của người dân Tiền Giang, phản ánh đời sống văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng của cộng đồng. Các lễ hội ở đây diễn ra quanh năm, nhưng đặc sắc nhất vẫn là hai loại hình chính: Lễ hội dân gian và lễ hội lịch sử. Những lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn phản ánh sự gắn kết của cộng đồng, thể hiện lòng tri ân đối với những vị thần đã che chở cho làng xóm, quê hương.
Tại Tiền Giang, những lễ hội dân gian vẫn được gìn giữ và tổ chức long trọng như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, tiêu biểu là: Lễ hội Kỳ yên (huyện Gò Công Tây), Lễ hội Nghinh Ông (huyện Gò Công Đông), Lễ hội Kỳ yên Đình Trung (TP. Gò Công)… Không chỉ có lễ hội dân gian, Tiền Giang còn tự hào là vùng đất ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử hào hùng. 
 
Lễ hội “Hủ tiếu Mỹ Tho” lần đầu tiên được tổ chức nhân kỷ niệm 345 năm Đô thị Mỹ Tho và mừng năm mới 2025. Ảnh: Duy Nhựt
 
Các lễ hội lịch sử không chỉ là dịp ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường của dân tộc mà còn thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân đã cống hiến cho độc lập nước nhà. Những lễ hội tiêu biểu có thể kể đến như: Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết hay Lễ hội Chiến thắng Ấp Bắc, Lễ hội Rạch Gầm - Xoài Mút... Mỗi dịp lễ hội, nhân dân khắp nơi tụ hội về đây, cùng nhau tưởng nhớ quá khứ vẻ vang, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau.
 
Các lễ hội không chỉ là sự kiện mang tính tâm linh hay tưởng niệm mà còn là nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Việc tổ chức các lễ hội một cách bài bản, đúng nghi thức vừa giúp bảo tồn giá trị văn hóa, vừa tạo cơ hội để cộng đồng gắn kết, cùng nhau gìn giữ những tinh hoa đã hun đúc suốt bao thế hệ. 
 
Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp với các ngành chức năng để tổ chức các lễ hội một cách trang trọng, đúng nghi thức truyền thống. Đồng thời, địa phương cũng chú trọng xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội, góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.
 
Thực tế cho thấy, những lễ hội truyền thống của Tiền Giang không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn có sức hút lớn đối với du khách. Các hoạt động tái hiện lịch sử, tín ngưỡng và vui chơi trong lễ hội giúp du khách có những trải nghiệm mới mẻ, hiểu hơn về đời sống tinh thần của người dân địa phương. Việc phát triển du lịch từ các lễ hội không chỉ giúp quảng bá hình ảnh Tiền Giang, mà còn tạo cơ hội kinh doanh cho người dân địa phương.
 
Các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, quà lưu niệm có thể được phát triển mạnh hơn để phục vụ nhu cầu của du khách. Ngoài ra, với xu hướng du lịch trải nghiệm, du khách, đặc biệt là giới trẻ và du khách quốc tế, ngày càng quan tâm đến những sự kiện văn hóa độc đáo. Nếu được tổ chức bài bản và truyền thông tốt, các lễ hội của Tiền Giang hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch văn hóa của Việt Nam. 
 
Việc phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống gắn với du lịch là hướng đi tất yếu. Theo đó, để lễ hội truyền thống trở thành điểm sáng trong hành trình du lịch, việc xây dựng những tour du lịch đa dạng, kết hợp giữa tham quan di tích, trải nghiệm văn hóa - nghệ thuật và thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương là vô cùng cần thiết. Cùng với đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cần phải đi đôi với công nghệ và sáng tạo. 
 
Việc ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội, và các nền tảng trực tuyến sẽ là công cụ mạnh mẽ để giới thiệu các lễ hội truyền thống của tỉnh Tiền Giang đến du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng các ứng dụng di động, cung cấp thông tin chi tiết về lịch trình, các điểm du lịch phụ trợ và lịch trình sự kiện lễ hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, giúp họ lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi của mình. 
 
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, cần tăng cường đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối, từ việc nâng cấp các tuyến đường từ trung tâm tỉnh đến các điểm du lịch cho đến việc nâng cấp các cơ sở lưu trú, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống tất cả phải vì phương châm giúp du khách cảm thấy thoải mái, thuận tiện hơn trong suốt hành trình tham gia lễ hội.
 
Cùng với đó, cũng cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, am hiểu sâu sắc về văn hóa lễ hội, đây được xem là một phần quan trọng trong việc giữ gìn và truyền tải những giá trị của các lễ hội đến với khách du lịch. 
 
Với những giá trị văn hóa độc đáo và tiềm năng du lịch phong phú, Tiền Giang hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lễ hội không chỉ là nhiệm vụ của mỗi cá nhân mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, chính quyền và các cơ quan quản lý. 
 
Nếu biết khai thác đúng cách, kết hợp với các sản phẩm du lịch khác, các lễ hội này không chỉ góp phần bảo tồn giá trị truyền thống mà còn trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương.
 
V. Phương
Báo Ấp Bắc điện tử - baoapbac.vn