Từ ngày 01/7/2025, tỉnh Lâm Đồng bước vào một vai trò lịch sử mới, trở thành không gian hành chính chung sau khi sáp nhập với Bình Thuận và Đắk Nông. Đây không chỉ là sự cộng gộp về địa giới, mà là bước chuyển mình toàn diện về tư duy phát triển. Trong đó, liên kết văn hóa được xem như “động lực mềm”, một lực đẩy bền bỉ nhưng thẩm thấu sâu xa giúp gìn giữ bản sắc, khơi dậy nội lực, kết nối đa vùng mà không hòa tan giá trị riêng biệt.
Lễ hội Katê. Ảnh: Đ.Hòa
Giao hòa trong đa sắc, kết nối trong bản sắc
Lâm Đồng được biết đến là vùng đất hội tụ núi non, rừng nguyên sinh, khí hậu ôn hòa và những cộng đồng người K’ho, Chu Ru, Mạ, vốn là điểm gặp của nhiều dòng chảy văn hóa. Không ngẫu nhiên khi UNESCO công nhận Langbiang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây không chỉ là giá trị sinh thái, mà còn là biểu tượng cho sự giao thoa hài hòa giữa con người, thiên nhiên và bản sắc. Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, như Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn là kho tri thức cổ được gìn giữ tại Đà Lạt; hệ thống hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo nên nguồn cảm hứng phong phú cho sản phẩm du lịch độc đáo, có chiều sâu văn hóa.
Sau sáp nhập, liên kết văn hóa sẽ là cầu nối giữa cao nguyên Lâm Đồng - vùng đất của cồng chiêng và tri thức cổ với duyên hải Bình Thuận - nơi lưu giữ di sản văn hóa Chăm Pa quý hiếm. Và với Đắk Nông - vùng đất của di sản địa chất Krông Nô và nền văn hóa M’nông, Ê Đê đậm đà. Về lợi thế phát triển du lịch, Bình Thuận được xem là điểm nhấn với bề dày văn hóa - lịch sử lâu đời, đặc biệt là kho tàng di sản Chăm Pa độc đáo. Cụm di tích Tháp Po Sha Nư, đền thờ Po Klong Mơhnai, cùng với hơn 100 bảo vật hoàng tộc Chăm nguyên gốc quý hiếm do bà Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ vua Chăm lưu giữ, như vương miện, áo bào, vòng xuyến của vua và hoàng hậu, đã và đang được gìn giữ như một phần ký ức sống động, có khả năng trở thành điểm nhấn văn hóa - du lịch độc nhất vô nhị của vùng duyên hải.
Phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế - chính trị
Tỉnh Lâm Đồng xác định rõ: Phát triển văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, đúng tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI và các kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Từ định hướng lớn ấy, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách, lồng ghép các nguồn lực trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (theo Nghị quyết số 162/2024/QH15 của Quốc hội). Trọng tâm là hình thành các cụm di sản - cụm sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp văn hóa có giá trị gia tăng cao như điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn… Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, thu hút đầu tư tư nhân để hình thành hệ sinh thái văn hóa mới, từ không gian đọc mở đến trung tâm sáng tạo nghệ thuật cộng đồng. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa - nghệ thuật; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, thẩm mỹ và sáng tạo trong trường học, để từ đó hình thành lớp công dân “giỏi chuyên môn - giàu bản sắc”.
Liên kết văn hóa không chỉ nằm trên giấy quy hoạch, mà phải sống trong từng cộng đồng. Từ gia đình, trường học, cơ quan đến tổ dân phố, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu. Mỗi không gian văn hóa nhỏ sẽ là mắt xích trong hệ sinh thái văn hóa lớn, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng thuận lợi và vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thu Hà