logo
title

Sơ kết 1 năm triển khai công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch

Cập nhật ngày: 13/09/2013
Ngày 24-7, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 11/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan cùng các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.


Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Sau hơn 1 năm triển khai Chỉ thị 11, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, cũng như sự vào cuộc tích cực, chủ động của các địa phương, ban, ngành chức năng và các doanh nghiệp du lịch, môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã dần được cải thiện. Các địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn đã thành lập BCĐ do một đồng chí lãnh đạo địa phương làm Trưởng ban; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương và xây dựng kế hoạch triển khai công tác quản lý môi trường kinh doanh trên địa bàn; tổ chức ký cam kết giữa các ngành có liên quan và doanh nghiệp về việc thực hiện nghiêm túc các quy định của UBND tỉnh, trong đó tập trung vào vấn đề niêm yết giá cả các hàng hóa, các dịch vụ…

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi lắp đặt 28 biển công bố đường dây nóng tại các cảng, bến tàu du lịch, điểm tham quan, thanh tra Sở đã tiếp nhận 356 thông tin qua đường dây nóng; kiểm tra 178 cơ sở kinh doanh du lịch, xử phạt vi phạm hành chính 49 trường hợp; kiểm tra 122 lượt hướng dẫn viên, xử phạt 19 trường hợp; phát hiện 445 trường hợp vi phạm về môi trường kinh doanh du lịch để kiến nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị về công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch. 

Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu của đại diện các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp đều khẳng định: Chỉ thị 11 của UBND tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch tại địa phương, đồng thời tạo được niềm tin trong du khách và nhân dân về quyết tâm cải thiện môi trường du lịch của tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đưa ra các giải pháp hiệu quả để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh du lịch như: tập trung tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc trao đổi thông tin, xử lý vi phạm giữa các cơ quan chức năng; cần có biện pháp cụ thể, chế tài thật mạnh để xử lý nghiêm các vi phạm, phân rõ nhiệm vụ chức năng, quy chế phối hợp của các ban, ngành liên quan…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 11/CT-UBND, nhận thức của người dân và doanh nghiệp được nâng lên đáng kể; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về kinh doanh du lịch được quan tâm, chú ý hơn; môi trường kinh doanh du lịch trên đia bàn tỉnh đã thay đổi rõ nét.

Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ rõ một số vấn đề tồn tại cần được khắc phục như: môi trường vệ sinh tại các điểm du lịch; đảm bảo an toàn cho du khách; giá cả cung cấp các sản phẩm; kỹ năng giao tiếp; cơ sở hạ tầng du lịch; tính chuyên nghiệp trong phục vụ...

Để thực hiện tốt Chỉ thị 11 trong thời gian tới, cũng như nâng cao chất lượng du lịch, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: các sở, ngành, địa phương tiếp tục tuyên tuyền, triển khai nghiêm túc Chỉ thị 11, các quyết định, quy chế tạm thời của UBND tỉnh về quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn; đẩy mạnh phân cấp cho UBND các địa phương về quản lý môi trường kinh doanh du lịch. Cụ thể, các địa phương cần sớm ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo về du lịch; xây dựng kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với đặc thù từng địa phương, dành ưu tiên tối đa các nguồn lực cho phát triển du lịch; xây dựng quy định quản lý môi trường kinh doanh du lịch tại chính địa phương mình, giao trách nhiệm cho người đứng đầu khi xảy ra sai phạm.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần chú trọng phát triển sản phẩm, loại hình du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là các địa phương có ưu thế về phát triển du lịch như Cô Tô, Yên Đức (Đông Triều); chính quyền địa phương có chỉ đạo cụ thể trong việc phối hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển du lịch. Đồng thời, các đơn vị cần chú ý tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, phát hiện sai phạm trong kinh doanh du lịch; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý tại các xã, phường, thị trấn.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý vấn đề an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc niêm yết các biển hiệu có tiếng nước ngoài; chú ý đào tạo nghề du lịch, văn hóa ứng xử giao tiếp cho người lao động, người hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Các ngành, địa phương cần chủ động đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm du lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ tập hợp thông tin du lịch của các địa phương, biên soạn cuốn cẩm nang du lịch; xây dựng và mở rộng các tuyến du lịch gắn liền với các địa phương trong tỉnh. Đối với các ý kiến nêu ra tại hội nghị như: tăng mức xử phạt hành chính, quy định giá trần dịch vụ hàng hóa… đồng chí giao Sở Công Thương, UBND TP Hạ Long nghiên cứu đề xuất trình UBND tỉnh./.

Nguồn: quangninh.gov.vn